Giải quyết tranh chấp số DS268

14/05/2013    896

Hoa Kỳ - Cuộc rà soát hoàng hôn biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng ống dẫn dầu (OCTG) nhập khẩu từ Achentina

Nguyên đơn

Achentina

Bị đơn:

 

Các Các bên thứ ba:

Hoa Kỳ

 

Đài Loan; EC; Nhật Bản; Hàn Quốc; Mexico

Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn)

Hiệp định ADA (Điều VI của GATT 1994): Điều 1, 4, 5, 6, 2, 9, 18, 18.1; GATT 1994: Điều VI, X:3

Ngày nhận được yêu cầu tham vấn

07/10/ 2002

Ngày lưu hành Báo cáo Ban Hội thẩm

16 /07/2004

Ngày lưu hành Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm

29/11/2004

Ngày lưu hành Báo cáo trọng tài theo Điều 21.3(c)

07/06/2005

Ngày lưu hành Báo cáo Ban Hội thẩm theo Điều 21.5

30/11/ 2006

Ngày lưu hành Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm theo Điều 21.5

12/04/2007

Bản tóm tắt dưới đây được cập nhật đến ngày 24 tháng 02 năm 2010

Tham vấn

Ngày 07/10/2002, Achentina yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ liên quan đến các vấn đề sau:

-       Kết luận cuối cùng của DOC và ITC trong cuộc rà soát hoàng hôn thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ống dẫn dầu (Oil Country Tubular Goods - OCTG) nhập khẩu từ Achentina, ban hành lần lượt vào ngày 07/11/2000 (65 Công báo Liên bang số 66701) và tháng 06/2001 (Ấn phẩm của USITC số 3434),

-       Phán quyết của DOC về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm OCTG nhập khẩu từ Achentina, ban hành ngày 25/07/2001 (66 Công báo Liên bang số 38630).

Achentina cho rằng:

-       Pháp luật nói chung của Hoa Kỳ, các quy định, chính sách và thủ tục liên quan đến điều tra rà soát hoàng hôn và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá là vi phạm các Điều 1, 2, 3, 5, 6, 11, 12, và 18 của  Hiệp định ADA; Điều VI và X của GATT 1994; và Điều XVI:4 của  Hiệp định WTO,

-       Điều tra về phá giá do DOC tiến hành trong cuộc rà soát hoàng hôn nói trên đã vi phạm các Điều 2, 5, 5.8, 11.3, 11.4, 12.1, và 12.3 của Hiệp định ADA,

-       Điều tra về thiệt hại do ITC tiến hành trong cuộc rà soát hoàng hôn nói trên đã vi phạm các Điều 3 và 11.3 của Hiệp định ADA.

Giai đoạn Hội thẩm

Tham vấn không thành công, do đó ngày 03/04/2003, Achentina yêu cầu DSB thành lập Ban Hội thẩm giải quyết tranh chấp trong vụ kiện này. Tại cuộc họp ngày 15/04/2003, DSB đã trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm. Tuy nhiên, sau yêu cầu lần thứ hai của Achentina, tại cuộc họp ngày 19/03/2003, DSB đã thành lập Ban Hội thẩm.

EC, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và Đài Loan yêu cầu được tham gia vào vụ kiện với tư cách bên thứ ba.

Ngày 22/08/2003, do các bên không thể thống nhất được về thành phần của Ban Hội thẩm, Achentina đã yêu cầu Tổng Giám đốc WTO chỉ định các thành viên cho Ban Hội thẩm. Ngày 04/09/2003, thành phần của Ban Hội thẩm đã được xác định.

Ngày 04/03/2004, Chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo với DSB rằng Ban Hội thẩm có thể sẽ không hoàn thành được công việc trong thời hạn 6 tháng do có mâu thuẫn về lịch trình làm việc và dự kiến sẽ hoàn thành Báo cáo vào tháng 06/2004.

Ngày 16/07/2004, Ban Hội thẩm ban hành Báo cáo và gửi tới các quốc gia thành viên, trong đó kết luận:

-          Một số điều khoản trong pháp luật của Hoa Kỳ liên quan đến việc rút đơn kiện trong các cuộc rà soát hoàng hôn cũng như một số điều khoản trong Bản tin Chính sách Hoàng hôn (SPB) liên quan đến nghĩa vụ của DOC trong việc xác định khả năng tiếp tục hay tái diễn hành vi bán phá giá trong các cuộc rà soát hoàng hôn đã vi phạm một số điều khoản của Hiệp định ADA.

-          Các kết luận của DOC liên quan đến khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá trong cuộc rà soát hoàng hôn đối với sản phẩm OCTG đã vi phạm một số điều khoản cụ thể của Hiệp định ADA nhưng không vi phạm các điều khoản khác của Hiệp định này;

-          Các tiêu chuẩn pháp luật của Hoa Kỳ liên quan đến việc đánh giá khả năng tiếp tục hoặc tái diễn thiệt hại trong các cuộc rà soát hoàng hôn và các kết luận của ITC liên quan đến khả năng tiếp tục hoặc tái diễn thiệt hại trong cuộc rà soát hoàng hôn đối với sản phẩm OCTG đã vi phạm một số điều khoản liên quan trong Hiệp định ADA.

Giai đoạn Phúc thẩm

Ngày 31/08/2004, Hoa Kỳ thông báo ý định kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm một số vấn đề pháp lý và giải thích pháp luật trong Báo cáo của Ban Hội thẩm. Ngày 28/10/2004, Chủ tịch Cơ quan Phúc thẩm thông báo với DSB rằng họ không thể ban hành Báo cáo giải quyết tranh chấp trong thời hạn 60 ngày do cần có thêm thời gian để hoàn thiện và biên dịch Báo cáo. Cơ quan Phúc thẩm dự kiến ban hành Báo cáo trước ngày 29/11/2004.

Ngày 29/11/2004, Báo cáo Phúc thẩm được gửi tới tất cả các quốc gia thành viên, trong đó kết luận:

về các nội dung kháng cáo của Hoa Kỳ:

  • giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm rằng các khiếu nại của Achentina đối với một số điều khoản trong luật pháp Hoa Kỳ - cụ thể là: Mục 751(c) và 752(c) của Đạo luật Thuế quan 1930; Bản tuyên bố các quyết định hành chính và Bản tin chính sách hoàng hôn - đã được nêu rõ ràng đầy đủ trong yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm của Achentina, theo đúng quy định tại Điều 6.2 của DSU;
  • giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm về việc Bản tin chính sách hoàng hôn là một “biện pháp” thuộc phạm vi điều chỉnh của thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO;
  • bác bỏ kết luận của Ban Hội thẩm rằng Bản tin Chính sách Hoàng hôn đã vi phạm Điều 11.3 của Hiệp định ADA (quy định về việc rà soát thuế chống bán phá giá sau 5 năm) do Ban Hội thẩm chỉ dựa trên các số liệu thống kê tổng thể mà không tiến hành phân tích định tính đối với các trường hợp đã lưu hồ sơ chứng cứ. Do đó, Cơ quan Phúc thẩm kết luận rằng Ban Hội thẩm đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình theo Điều 11 của DSU trong việc “đánh giá khách quan vấn đề đặt ra”;      
  • giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm rằng Mục 751(c)(4)(B) Đạo luật Thuế quan 1930 và Mục 351.218(d)(2)(iii) Quy định của DOC (các điều khoản này cho phép các bên có thể bị xem như từ bỏ quyền tham gia thủ tục rà soát hoàng hôn trong một số hoàn cảnh nhất định) đã vi phạm Điều 11.3 của Hiệp định ADA do DOC đưa ra kết luận dựa trên việc bên từ chối tham gia rà soát đã không đáp ứng đủ điều kiện vì các kết luận hợp lý phải dựa trên các chứng cứ thực tế.
  • giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm về việc Mục 351.218(d)(2)(iii) Quy định của DOC (điều khoản này cho phép các bên có thể bị “xem như” từ bỏ quyền tham gia thủ tục rà soát hoàng hôn trong một số hoàn cảnh nhất định) đã vi phạm các Điều 6.1 và 6.2 của Hiệp định ADA bởi vì bên bị cho là từ chối tham gia rà soát đã không cho phép bên kia có cơ hội đưa ra các bằng chứng và bảo vệ quyền lợi của mình theo như quy định tại các Điều 6.1 và 6.2; và
  • kết luận rằng Ban Hội thẩm trong quá trình xem xét đưa ra kết luận về việc từ chối tham gia vụ kiện (điểm 4 và 5 ở trên), đã tuân thủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 11 của DSU về việc “đánh giá khách quan vấn đề, bao gồm cả việc đánh giá các bằng chứng thực tế của vụ kiện”;

về các nội dung kháng cáo của Achentina:

  • giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm rằng các nguyên tắc trong Điều 3 của Hiệp định ADA liên quan đến việc xác định thiệt hại trong cuộc điều tra ban đầu không áp dụng cho cơ quan điều tra khi đưa ra các kết luận trong cuộc rà soát hoàng hôn. Cơ quan Phúc thẩm cũng kết luận Ban Hội thẩm đã không sai khi diễn giải khái niệm “thiệt hại” trong Điều 11.3 của  Hiệp định ADA hay trong phân tích về các yếu tố mà Cơ quan điều tra cần xem xét khi đưa ra phán quyết trong một cuộc rà soát hoàng hôn;
  • giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm về việc, theo Điều 11.3 Hiệp định ADA, cơ quan điều tra được phép “đánh giá cộng gộp” tác động của các sản phẩm nhập khẩu tương tự bị bán phá giá khi xem xét liệu có tiếp tục hay tái diễn thiệt hại gây ra đối với ngành sản xuất nội địa do hành vi bán phá giá gây ra hay không sau khi chấm dứt áp thuế chống bán phá giá.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 
  • Cơ quan Phúc thẩm cũng đồng ý với kết luận của Ban Hội thẩm rằng các điều kiện áp dụng “đánh giá cộng gộp” quy định tại Điều 3.3  Hiệp định ADA không áp dụng trong trường hợp rà soát hoàng hôn theo Điều 11.3;
  • giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm rằng phán quyết của ITC về khả năng tiếp tục hay tái diễn  thiệt hại gây ra đối với ngành sản xuất nội địa sau khi chấm dứt áp thuế chống bán phá giá không vi phạm Điều 11.3 Hiệp định ADA và kết luận Ban Hội thẩm đã không diễn giải sai thuật ngữ “khả năng tái diễn” trong Điều khoản này.
  • giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm rằng các Mục 752(a)(1) và 752(a)(5) của Đạo luật Thuế quan 1930 (các điều khoản này quy định cho phép ITC xem xét khả năng tiếp tục hay tái diễn thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa  “trong một khoảng thời gian hợp lý có thể dự đoán trước”) đã vi phạm Điều 11.3 Hiệp định ADA. Cơ quan Phúc thẩm cũng ủng hộ kết luận của Ban Hội thẩm rằng việc ITC áp dụng các điều khoản này trong cuộc rà soát hoàng hôn sản phẩm OCTG là không vi phạm Điều 11.3 của Hiệp định ADA; và
  • từ chối ra phán quyết về kháng cáo có điều kiện của Achentina đối với 2 vấn đề, một là “thông lệ” mà DOC đã áp dụng theo Hiệp định ADA trong các cuộc rà soát hoàng hôn, hai là thủ tục rà soát hoàng hôn mà DOC đã áp dụng theo GATT 1994.

Ngày 17/12/2004, tại cuộc họp của DSB, cơ quan này đã thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Báo cáo đã điều chỉnh của Ban Hội thẩm.

Thực thi

Ngày 14/01/2005, tại cuộc họp của DSB, Hoa Kỳ thông báo ý định thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB trên tinh thần tôn trọng các nghĩa vụ theo WTO. Hoa Kỳ cũng cho biết họ sẽ tham vấn với Achentina để thoả thuận về khoảng thời gian hợp lý cho việc thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Tuy nhiên sau đó, do hai nước không thể thống nhất được về vấn đề này nên ngày 11/03/2005 Achentina đã đề nghị DSB thông qua trọng tài theo Điều 21.3 của DSU để xác định khoảng thời gian hợp lý nói trên.

Ngày 16/03/2005, sau thời hạn 90 ngày như quy định tại Điều 21.3 (c) của DSU, Achentina và Hoa Kỳ thông báo với DSB rằng hai bên đã thống nhất được khoảng thời gian cần thiết để trọng tài hoàn thành các công việc là không quá 60 ngày kể từ ngày bổ nhiệm trọng tài viên.

Ngày 08/04/2005, trọng tài viên được xác định. Ngày 07/06/2005, Phán quyết trọng tài được gửi tới tất cả các quốc gia thành viên. Trong đó, trọng tài xác định khoảng thời gian hợp lý để Hoa Kỳ thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB là 12 tháng, hết hạn vào ngày 17/12/2005.

Tại cuộc họp của DSB ngày 20/12/2005, Hoa Kỳ thông báo nước này đã thực thi đầy đủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Tuy nhiên, Achentina vẫn bày tỏ quan ngại liệu rằng Hoa Kỳ đã thực sự thực thi đầy đủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB hay chưa. Ngày 05/01/2006, các bên thông báo với DSB rằng họ đã thống nhất được thủ tục giám sát thực thi và bồi thường vi phạm theo các Điều 21 và 22 của DSU.

Rà soát tuân thủ

Ngày 26/01/2006, nhận thấy Hoa Kỳ có vi phạm trong việc thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB, Achentina đã yêu cầu tham vấn theo Điều 21.5 của DSU. Tại cuộc họp ngày 17/03/2006, DSB đã đưa vấn đề trên tới Ban Hội thẩm ban đầu để xem xét giải quyết.

Trung Quốc, EC, Nhật Bản, Mexico và sau đó là Hàn Quốc bảo lưu quyền tham gia vụ kiện với tư cách bên thứ ba.

Ngày 20/03/2006, Ban Hội thẩm tuân thủ theo Điều 21.5 đã được thành lập.

Ngày 16/06/2006, Chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo với DSB rằng họ không thể hoàn thành công việc trong vòng 90 ngày do có mâu thuẫn về lịch trình làm việc. Ban Hội thẩm dự kiến hoàn thành công việc trong tháng 11/2006.

Ngày 30/11/2006, Ban Hội thẩm ban hành Báo cáo giải quyết tranh chấp và gửi tới tất cả các quốc gia thành viên, trong đó kết luận:

-          Một số điều khoản về quyền từ bỏ nghĩa vụ theo Đạo luật Thuế quan 1930 của Hoa Kỳ tiếp tục vi phạm các quy định về rà soát hoàng hôn theo Điều 11.3 của Hiệp định ADA.

-          DOC đã hành động không nhất quán với Điều 11.3 của Hiệp định ADA trong việc xác định khả năng tiếp tục hay tái diễn hành vi bán phá giá để từ đó đưa ra quyết định điều chỉnh thuế chống bán phá giá trong cuộc rà soát hoàng hôn theo thủ tục quy định tại Mục 129.

-          DOC không vi phạm các điều khoản có liên quan trong Hiệp định ADA khi dựa trên các bằng chứng thực tế mới để ra phán quyết theo Mục 129. DOC cũng không vi phạm một số vấn đề về thủ tục và chứng cứ.

Tuy nhiên, cả hai bên trong vụ kiện đều không đồng ý với một số vấn đề pháp lý và giải thích pháp luật trong Báo cáo của Ban Hội thẩm theo Điều 21.5. Do đó, Hoa Kỳ (ngày 12/01/2007) và Achentina (ngày 24/01/2007) đã lần lượt nộp đơn kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm để xem xét lại vấn đề này.

Ngày 06/03/2007, chủ tịch Cơ quan Phúc thẩm thông báo với DSB rằng họ không thể hoàn thành công việc trong thời hạn 60 ngày do cần thêm thời gian hoàn thiện và biên dịch báo cáo. Cơ quan Phúc thẩm dự kiến sẽ ban hành Báo cáo không muộn nhất vào ngày 12/04/2007.

Ngày 12/04/2007, Báo cáo Phúc thẩm được ban hành và gửi tới tất cả các quốc gia thành viên, trong đó kết luận:

-          bác bỏ kết luận của Ban Hội thẩm rằng Mục 751(c)(4)(B), trong mối liên hệ với Mục 751(c)(4)(A) của Đạo luật Thuế quan 1930 và Mục 351.218(d)(2)  Quy định của DOC đã vi phạm Điều 11.3 của Hiệp định ADA. Trên cơ sở kết luận này, Cơ quan Phúc thẩm không cần xem xét liệu Ban Hội thẩm có đánh giá vấn đề một cách khách quan hay không theo như yêu cầu tại Điều 11 DSU;

-          đồng ý với kết luận của Ban Hội thẩm rằng phân tích về khối lượng của DOC là một vấn đề hợp lý có thể đưa ra trước Ban Hội thẩm;

-          giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm về việc DOC đã không vi phạm các nghĩa vụ theo Điều 11.3 và 11.4 của  Hiệp định ADA do áp dụng các bằng chứng mới cho giai đoạn rà soát ban đầu để ra phán quyết theo Mục 129. Cơ quan Phúc thẩm cũng kết luận Ban Hội thẩm đã không đánh giá thiếu khách quan vấn đề được đưa ra, như yêu cầu của Điều 11 DSU, do đã xem xét một số điều khoản của DSU trong bối cảnh hợp lý; và

-          bác bỏ khiếu nại của Achentina rằng Ban Hội thẩm đã không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Điều 11 và 12.7của DSU do từ chối đưa ra các khuyến nghị theo Điều 19.1 của DSU (quy định về việc Ban Hội thẩm phải đưa ra khuyến nghị khi nhận thấy một biện pháp nào đó là không phù hợp với một hiệp định có liên quan)

Tại cuộc họp ngày 11/05/2007, DSB đã thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Báo cáo của Ban Hội thẩm theo Điều 21.5, sau khi đã được điểu chỉnh bởi Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm.

Ngày 21/05/2007, nhận thấy Hoa Kỳ đã không thực thi đầy đủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB, Achentina đề nghị cơ quan này cho phép đình chỉ các nhượng bộ theo Điều 22.2 của DSU. Không đồng ý với mức độ đình chỉ các nhượng bộ do Achentina đề xuất, ngày 01/06/2007, Hoa Kỳ yêu cầu đưa vấn đề này ra giải quyết bằng trọng tài theo Điều  22.6 của DSU. Tại cuộc họp ngày 04/06/2007, DSB đã đồng ý yêu cầu này của Hoa Kỳ.

Ngày 21/06/2007, các bên thống nhất đề nghị trọng tài tạm ngừng các thủ tục tố tụng cho đến khi một trong các bên có yêu cầu nối lại. Trọng tài đã đồng ý với đề nghị này đồng thời thông báo nếu bất kỳ bên nào có yêu cầu nối lại thủ tục trọng tài thì sẽ phải thông báo cho bên kia trong vòng 30 ngày trước đó.