Báo cáo tình hình đàm phán của Chủ tịch Ủy ban Thương mại Dịch vụ WTO

19/08/2011    711

Ngày 21/4, Đại sứ Fernando de Mateo, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Dịch vụ (CTS) của WTO, đã có báo cáo lên Ủy ban Đàm phán Thương mại (TNC) của WTO về thực trạng tình hình đàm phán dịch vụ. Báo cáo đề cập đến 4 lĩnh vực đàm phán chính là tiếp cận thị trường, quy định trong nước, các quy định của Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS), và việc thực thi các cơ chế linh hoạt dành cho các nước kém phát triển (LDCs). Ở từng lĩnh vực, báo cáo đã chỉ rõ những tiến bộ đạt được, những cách biệt cần thu hẹp và trên hết là cách thức triển khai đàm phán trong thời gian tới.

Nhằm đảm bảo tính xác thực, công bằng và cân đối của báo cáo, Đại sứ Fernando de Mateo đã xây dựng báo cáo của mình dựa trên quan điểm của các quốc gia thành viên, trong đó bao gồm cả ý kiến của các điều phối viên các nhóm đàm phán đa phương theo phương thức chào/yêu cầu đã được nêu tại Phiên họp đặc biệt ngày 15/4/2011. Ý kiến của các điều phối viên này được dựa trên các bài trình bày của họ tại Phiên họp và sẽ được thể hiện cụ thể trong biên bản Phiên họp. Về các lĩnh vực đàm phán quy định trong nước và các quy định của Hiệp định GATS, Đại sứ Fernando de Mateo chủ yếu dựa trên báo cáo của Chủ tịch các cơ quan đàm phán các lĩnh vực này.

Theo báo cáo của ông Fernando, mặc dù các quốc gia thành viên đã tích cực tham gia đàm phán hơn nhưng vẫn còn nhiều cách biệt về quan điểm trong đàm phán. Kể từ tháng 7/2008, những tiến bộ đạt được trong đàm phán tiếp cận thị trường là rất hạn chế. Trong đàm phán các quy định trong nước, việc tích cực tham gia đàm phán đã mang lại một số tiến bộ đáng ghi nhận. Tuy vậy, vẫn còn nhiều bất đồng quan điểm trong một số nội dung cơ bản quan trọng. Trong đàm phán các quy định của Hiệp định GATS, mặc dù các công việc mang tính kỹ thuật vẫn đang tiếp tục được triển khai nhưng dường như chưa có  được sự thống nhất chung về kết quả dự kiến 3 nội dung đàm phán (tự vệ, mua sắm chính phủ và trợ cấp). Đối với việc thực thi các cơ chế linh hoạt dành cho các nước kém phát triển, mặc dù các quốc gia thành viên ủng hộ việc dành đãi ngộ cho các nước kém phát triển nhưng vẫn còn nhiều bất đồng, chủ yếu về phạm vi đãi ngộ, về các nội dung quy tắc xuất xứ trong dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ.

Báo cáo cũng nêu rõ những kỳ vọng trong đàm phán dịch vụ là nhất quán với định hướng chung về cải cách quy định và chính sách mà các quốc gia thành viên WTO đã và đang triển khai. Các hiệp định song phương và khu vực về dịch vụ hiện phản ánh rất rõ việc mở cửa và tự do hóa đáng kể lĩnh vực này. Tuy vậy, trong đàm phán Vòng Đôha, tiến bộ trong đàm phán dịch vụ gắn chặt với tiến bộ trong đàm phán các nội dung khác, cụ thể là đàm phán mở cửa thị trường trong nông nghiệp và hàng phi nông sản.

Về cách thức triển khai đàm phán trong thời gian tới, báo cáo đề cập đến 4 đề xuất do một số quốc gia thành viên đưa ra trong đàm phán tiếp cận thị trường, và được các quốc gia thành viên khác đánh giá là hữu ích. Các đề xuất này bao gồm:

  • Đề xuất của Úc về việc hình thành một nhóm các quốc gia thành viên chủ chốt (các quốc gia đã tham dự Hội nghị Signalling cộng thêm các quốc gia quan tâm khác) nhằm (i) ràng buộc mức tiếp cận thị trường hiện tại trong các ngành ưu tiên; (ii) xóa bỏ những trở ngại đáng kể đối với  phương thức 3 (cụ thể là những hạn chế về vốn góp của bên nước ngoài và hình thức hiện diện thương mại); (iii) mở rộng tiếp cận thị trường đối với phương thức 4; và (iv) đặt ra một số mục tiêu khác như cam kết tham gia vào tài liệu tham khảo đề xuất về viễn thông.
  • Đề xuất của Mê-xi-cô về việc hình thành một nhóm các quốc gia thành viên (các quốc gia đã tham dự Hội nghị Signalling cộng thêm các quốc gia quan tâm khác) nhằm cam kết ràng buộc  mức độ tự do hóa của 119 phân ngành đã có yêu cầu đa phương, chỉ ngoại trừ một số các phân ngành trên cơ sở thỏa thuận. Đối với các nước phát triển, số lượng phân ngành ngoại trừ sẽ nhiều hơn. Bất kỳ quốc gia thành viên nào muốn yêu cầu một mức độ tự do hóa cao hơn đều có thể đưa ra yêu cầu với điều kiện yêu cầu phải đi kèm với những nhân nhượng tương đương về giá trị trong lĩnh vực dịch vụ hoặc ở các lĩnh vực tiếp cận thị trường khác trên cơ sở “có đi có lại”.
  • Đề xuất của Thụy Sỹ và Đài Loan đề cập lại tầm quan trọng của đàm phán tiếp cận thị trường thông qua những nhiệm vụ đàm phán cơ bản, thúc giục các quốc gia thành viên đã tham dự Hội nghị Signalling 2008 và các quốc gia thành viên khác cải thiện bản chào của mình; nhấn mạnh định hướng đàm phán là sẽ không có bất kỳ một loại trừ suy diễn nào đối với bất kỳ ngành dịch vụ hay phương thức cung cấp nào; và thừa nhận sẽ có quan tâm đặc biệt dành cho các ngành và phương thức cung cấp có lợi ích xuất khẩu đối với các các quốc gia thành viên đang phát triển. Đề xuất cũng cho phép các quốc gia thành viên đánh giá những tiến bộ trong đàm phán bằng cách khuyến khích họ (i) trao đổi lời văn có thể đưa ra trong dự thảo lộ trình cam kết; và (ii) báo cáo lên Phiên họp đặc biệt theo hướng tóm tắt tình hình thảo luận cho các thành viên và cung cấp cho các nhà đàm phán cấp cao hơn những báo cáo xác thực cần thiết.
  • Đề xuất của Hàn Quốc đưa ra lộ trình hoàn tất việc đàm phán tiếp cận thị trường trong lĩnh vực dịch vụ. Đề xuất đưa ra một thời gian biểu cho các phiên đàm phán, việc phân bổ các nội dung đàm phán đối với từng cuộc họp, và việc hệ thống và tóm lược lại các nội dung đàm phán sau mỗi phiên.

WTO, 21/04/2011