Các nước nghèo đã nhân nhượng quá đủ tại vòng Đôha

30/05/2011    257

Nam Phi bày tỏ lo ngại trước hàng loạt nỗ lực của các nước công nghiệp phát triển, đặc biệt là Mỹ và EU, nhằm ép các nước đang phát triển đưa ra các cam kết ở mức độ cao như là điều kiện tiên quyết để kết thúc vòng đàm phán Đôha đang bị trì hoãn. Tiến sĩ Rob Davies, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nam Phi bày tỏ, vào thời điểm khi nhiều nước châu Phi đang phải vật lộn để phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt, sẽ là "không công bằng" khi trông đợi Nam Phi hay các quốc gia nghèo hơn đồng ý cam kết cao hơn trong tiếp cận thị trường hàng công nghiệp và dịch vụ.

Trong hai tuần qua, các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tăng cường nỗ lực để thúc đẩy Vòng đàm phán thương mại Đôha, đã bước sang năm thứ 10, đi đến kết thúc. Vòng đàm phán Đôha dự định kết thúc vào ngày 1 tháng 1 năm 2005, nhưng đã có bất đồng mạnh mẽ giữa một phe bao gồm các nước công nghiệp và một số nước đang phát triển, và phe kia bao gồm đa số các nước đang phát triển và kém phát triển, về mức độ cam kết cắt giảm các khoản trợ cấp lớn, giảm thuế hàng nông nghiệp và công nghiệp, mở cửa thị trường dịch vụ.

Cựu Tổng Giám đốc WTO, Ông Peter Sutherland là người chịu trách nhiệm kết thúc vòng đàm phán Uruguay, gần đây đã kêu gọi các thành viên kết thúc vòng Đôha trong năm nay, nếu không sẽ tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin vào hệ thống thương mại toàn cầu. Ông nói: "các nền kinh tế mới nổi cần mở cửa thị trường hơn nữa đối với hàng công nghiệp và dịch vụ để kết thúc vòng Đôha”. Trưởng đoàn Hoa Kỳ và EU cũng đưa ra nhận định tương tự tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos.

Trong một phát biểu tương tự, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Ron Kirk cho rằng, các nước đang phát triển chịu trách nhiệm kết thúc vòng đàm phán thương mại Đôha. Ông nói Hoa Kỳ đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao, nên đòi hỏi cơ hội tiếp cận thị trường thật sự ở các nước đang phát triển.

Bình luận về vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại Nam Phi nói: “chúng tôi đã nhượng bộ nhiều ở lĩnh vực hàng công nghiệp và dịch vụ cho dù gói nông nghiệp (vẫn đang trên bàn đàm phán) chỉ có tham vọng ở mức độ vừa phải”.

Trong một loạt các cuộc họp của nhóm đàm phán Đôha về nông nghiệp và hàng công nghiệp tại WTO gần đây, sự khác biệt về tham vọng giữa các nước công nghiệp và nước đang phát triển như Ấn Độ, Nam Phi, và Ác-hen-ti-na đã trở nên rõ ràng.

Trong khi Hoa Kỳ và EU luôn muốn gia tăng tham vọng giảm khoảng cách giữa vị thế của các thành viên, thì các nước đang phát triển lại nhắc nhở các thành viên rằng mức độ tham vọng sẽ phải thể hiện tinh thần của Đoạn 24 trong Tuyên bố chung của các Bộ Trưởng tại Hồng Kông năm 2005 trong đó kêu gọi một kết quả cân xứng giữa đàm phán nông nghiệp và hàng công nghiệp.

(Ravi Kanth Deverakonda, 14/2/2011)

Nguồn: AllAfrica