Hiệp định Thương mại Tự do với EU - Kinh nghiệm từ những Người đi trước

27/03/2011    276

Cho đến nay, EU đã ký kết và thực hiện nhiều FTA với các đối tác thương mại có điều kiện và trình độ phát triển gần giống với Việt Nam. Bài học từ những người lội nước đi trước, cả thành công và thất bại trong các FTA này, đều là quý giá với người dò dẫm đi sau như Việt Nam…

Mở cửa liệu có quá rộng?

Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng nếu phải so sánh thì đàm phán các FTA cũng giống như thương lượng hợp đồng. Tức là về nguyên tắc mỗi bên đều có quyền tự do đưa ra ý kiến của mình, không bên nào được áp đặt bên nào. Tuy vậy, trên thực tế, cũng như hợp đồng thương mại, nội dung kết cấu cũng như tham vọng của một FTA thường thể hiện nhiều hơn quan điểm của đối tác mạnh. Vì vậy việc nghiên cứu các FTA mà EU đã ký để mường tượng trước những gì mà EU có thể đòi hỏi Việt Nam trong FTA tương lai là rất quan trọng.

Rà soát các FTA mà EU ký gần đây cho thấy chúng đều có mức độ mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mạnh mẽ bên cạnh những nội dung thương mại và phi thương mại như cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…Đây thực tế là một sự thay đổi lớn trong chính sách ký kết các FTA của EU so với những FTA nặng về những yếu tố phi thương mại nhằm một số mục tiêu (như tăng cường các giá trị EU, đảm bảo sự ổn định tương đối ở những khu vực gần EU…) thời gian trước đây.  Điều này cũng được khắng định rõ ràng trong “Chiến lược Châu Âu Toàn cầu” – văn bản định hướng chính sách thương mại của EU từ năm 2006.

Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị cho khả năng một FTA tham vọng, với những cam kết sâu về mức độ và rộng về diện mở cửa với EU để đổi lại việc mở cửa thị trường mạnh mẽ của EU. Đây cũng là xu hướng chung của các FTA thế hệ mới.

Tuy nhiên, đối với riêng đối tác EU, một số điểm khác biệt sau đây có thể rất có ý nghĩa với Việt Nam.

Thứ nhất, về thương mại hàng hóa, EU thường cam kết miễn thuế nhập khẩu đối với hầu hết các dòng sản phẩm và dịch vụ của mình để đổi lại mức độ cam kết tương ứng của các đối tác. Tuy nhiên, các nhà đàm phán EU thường kiên quyết giữ các dòng thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản. Vì vậy, EU có thể hoặc không đòi hỏi quá cao với các đối tác về việc mở cửa thị trường nông sản tương ứng, hoặc chấp nhận nhượng bộ ở những vấn đề khác để bù đắp việc này. Ngoài ra, trong khi EU chấp nhận mở cửa ngay thị trường của mình cho đối tác, khối này thường chấp nhận cho đối tác một lộ trình hoàn tất việc cắt giảm thuế tương đối dài (khoảng 10-12 năm, đôi khi tới 15 năm). Rõ ràng, từ góc độ này, EU không phải đối tác quá “cứng rắn” hay “khó chịu”.

Thứ hai, EU không quá chú trọng tới độ dài của danh mục mở thị trường dịch vụ của đối tác mặc dù thúc đẩy mức độ mở cửa cao. Thay vào đó, EU sẽ chỉ tập trung vào việc tăng cường điều kiện gia nhập thị trường và hoạt động dịch vụ của các nhà cung cấp EU trong một số lĩnh vực dịch vụ cụ thể. Đây có thể là một thuận lợi cho Việt Nam khi mà chúng ta vẫn còn tương đối e dè trong mở cửa thị trường dịch vụ.

Thứ ba, những vấn đề khác về các rào cản phi thuế quan (TBT, SPS, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hải quan…) các FTA của EU đều có xu hướng tuân thủ các nguyên tắc trong WTO và chỉ bổ sung các cơ chế hợp tác nhằm giải quyết nhanh những bất động, tạo thuận lợi cho thương mại. Điều này rõ ràng không tạo thêm gánh nặng cam kết cho những đối tác như Việt Nam mà ngược lại còn mở ra những cơ hội để xử lý những khó khăn mà các nhà xuất khẩu Việt Nam thường gặp phải.

Thứ tư, liên quan đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, các FTA của EU thường không ràng buộc đối tác mức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao hơn mức WTO ở mọi khía cạnh mà tập trung các yêu cầu vào những điểm mà khối này có thế mạnh như bản quyền, thiết kế và chỉ dẫn địa lý đối với các loại rượu, giăm bông, pho mát. Các yêu cầu “có trọng điểm” này có lẽ không phải là yêu cầu quá cao đối với Việt Nam.

Nhìn vào cách mà EU ký kết các FTA với các đối tác đang phát triển, rõ ràng Việt Nam có nhiều hy vọng để đạt được những thỏa thuận có chấp nhận được cho cả hai phía nếu chúng ta “học tốt” từ những gì mà các nước khác đã làm được trước đó.

Lợi ích thật sự đến từ đâu?

Là một nước đang phát triển định hướng xuất khẩu, Mexico có vẻ như là một ví dụ tương đối tốt để Việt Nam tham khảo về những tác động xuất nhập khẩu của một FTA với EU. Bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2000, FTA giữa Mexico và EU cho đến nay đã thực thi được hơn 10 năm, 10 năm với nhiều biến cố, trạng thái khác nhau trong thương mại quốc tế. Những đánh giá từ tác động thực tế của FTA này vì vậy có thể tin cậy được.

Số liệu thống kê cho thấy thương mại hai chiều giữa hai bên đã tăng trên 207% sau 9 năm thực hiện, với mức tăng trưởng xuất khẩu từ Mexico sang EU là 228% và mức tăng trưởng thương mại theo chiều ngược lại là 196%.

Bảng 1 - Thương mại song phương Mexico-EU

 

1999

(tỷ USD)

2008

(tỷ USD)

Xuất khẩu từ Mexico

5.2

17.2

Nhập khẩu vào Mexico

13.2

39.3

Tổng giá trị thương mại

18.4

46.5

Thâm hụt thương mại

8

22.1


Tuy vậy, xét trong cán cân lợi ích thì có vẻ như EU được hưởng lợi nhiều hơn Mexico trong FTA này. Cụ thể, mặc dù mức tăng trưởng xuất khẩu từ Mexico sang EU mạnh hơn chiều ngược lại, nhưng sau 10 năm thực hiện FTA, Mexico vẫn là nước nhập siêu, và cùng với thời gian thực thi FTA, giá trị nhập siêu cũng tăng lên.

Trường hợp này của Mexico là bằng chứng cho những lo ngại của một số chuyên gia Việt Nam rằng EU có thể được lợi hơn Việt Nam nếu một FTA được ký kết và thực hiện giữa hai bên (bởi mức thuế quan EU áp dụng cho hàng Việt Nam hiện giờ đã ở mức thấp trong khi Việt Nam lại đang áp dụng mức thuế quan bình quân tương đối cao với hàng hóa EU). Điều thú vị là Mexico không thấy đây là một biểu hiện xấu của quan hệ thương mại. Với họ, điều quan trọng là họ được lợi từ FTA này, mà không nhất thiết phải là được lợi bằng hoặc hơn đối tác. Cụ thể, nhờ FTA này, Mexico đã có thể gia tăng ngoạn mục kim ngạch xuất khẩu vào EU, có thể mua thiết bị công nghệ tốt từ EU với giá hợp lý, có thêm nguồn nguyên liệu dồi dào và có chất lượng hơn (sắt thép, nhựa, hóa chất hữu cơ…) để có thể gia tăng sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường chính của họ là Hoa Kỳ.

Đây cũng là điều mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận định: Lợi ích từ FTA Việt Nam – EU cần được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau chứ không chỉ là ở cán cân xuất nhập khẩu. Thậm chí, theo bà Chi Lan, ngay cả nếu khi sau FTA, Việt Nam trở thành nước nhập siêu trong quan hệ thương mại với EU (một khả năng khó xảy ra) thì điều này cũng tốt cho Việt Nam khi có thể có nguồn cung chất lượng cao và bền vững thay vì tập trung nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, công nghệ lạc hậu từ một nguồn Trung Quốc như hiện nay.

Rõ ràng là bài học từ những nước đi trước trong việc ký kết và thực thi FTA với EU, vì vậy, cần được xem xét không chỉ ở bề mặt…

TS Nguyễn Thị Thu Trang – Ban Pháp chế VCCI