Việt Nam tham gia đàm phán TPP là cần thiết

01/01/2011    142

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Đàm phán Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) Việt Nam được gì? mất gì?”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRRAP III, EU tài trợ, Bộ Công Thương là đối tác thực hiện) vừa tổ chức ở Hà Nội ngày 4/11/2010, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn về chính sách thương mại quốc tế thuộc VCCI đã đưa ra nhận định nêu trên.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn giữa phóng viên của Vietnam Economic News với ông Trần Hữu Huỳnh.

Với tư cách Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn về chính sách thương mại quốc tế của VCCI, theo ông, Việt Nam có nên tham gia đàm phán TPP không?

Vì lợi ích của đất nước, của dân tộc, tôi cho rằng Việt Nam nên tham gia. Cơ sở cho quan điểm vừa nêu bởi định hướng chiến lược của Việt Nam là tham gia hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, toàn diện, phù hợp với điều kiện của đất nước.

Hơn nữa, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cũng đã có một số kinh nghiệm đàm phán và thực hiện các hiệp định thương mại (FTA) với nhiều đối tác, nhất là Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), Hiệp định Gia nhập WTO... Về cơ bản, khi thực hiện các cam kết của các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết phần lợi ích thu về cho đất nước là nhiều hơn.

Vấn đề cần quan tâm ở đây là Việt Nam nên tham gia TPP ở mức độ nào. Khi tham gia TPP sẽ không được hưởng những quy chế đặc biệt dành cho những nước đang phát triển và chậm phát triển. Chiến lược của Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện, lâu dài nhưng dựa trên cơ sở sức chịu đựng được của nền kinh tế khi mở cửa thị trường, vì vậy, tôi cho rằng, việc lựa chọn tham gia đàm phán TPP cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, nghiêm túc với những phương sách và những cơ chế thích hợp theo từng giai đoạn.

Trong trường hợp Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết TPP, DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì hiệp định này?

Tham gia đàm phán TPP cũng như nội dung của TPP đối với Việt Nam hiện mới chỉ đề cập đến ở mức độ mang tính “xới xáo” vấn đề để thảo luận, cái được và cái mất chưa thể đánh giá đầy đủ được.

Nếu Việt Nam tham gia TPP, sẽ có một số lĩnh vực, mặt hàng được hưởng lợi khi xuất khẩu vào các nước thuộc TPP có thể được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0. Nếu Việt Nam vượt qua được đàm phán về vấn đề xuất xứ đảm bảo theo quy chế riêng của các nước đang phát triển thì các mặt hàng như dệt may, da giày... của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế ở thị trường TPP. Các lĩnh vực khác như đầu tư, dịch vụ... thị trường các nước TPP sẽ mở rộng cửa, DN Việt Nam có thể tận dụng để khai thác thêm lợi thế.

Các DN xuất nhập khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ TPP, các DN dịch vụ, sản xuất trong nước có thể phải chịu những thiệt thòi, thử thách nhiều hơn khi Việt Nam mở cửa thị trường theo TPP để đổi lại sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế quan cho hàng hoá Việt Nam.

Tuy nhiên, tham gia TPP Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức lớn, trong đó có những thách thức do hệ thống pháp luật chưa chuyển đổi kịp thời hết cho phù hợp, nhất là những vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, quan hệ giữa các nghiệp đoàn... làm sao đáp ứng yêu cầu hội nhập mà vẫn đảm bảo phù hợp với hệ thống chính trị. Một số thách thức khác là vấn đề về mua sắm Chính phủ, mở cửa thị trường Việt Nam cũng chưa thể đáp ứng và làm ngay được. Các lĩnh vụ dịch vụ, đầu tư... Việt Nam đã mở cửa lại tiếp tục phải mở cửa rộng hơn, toàn diện hơn sẽ gây sức ép rất lớn đối với nền kinh tế. Tôi cho rằng, nếu có tham gia đàm phán thì Việt Nam cũng không thể đáp ứng việc gia nhập TPP với mọi yêu cầu được.

Nếu Chính phủ lắng nghe ý kiến từ hội thảo này và quyết định đàm phán TPP, để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc và hài hoà lợi ích của các nhóm liên quan, theo ông cần phải có những giải pháp gì?

Ý kiến của cộng đồng DN cũng như các chuyên gia đề xuất tại hội thảo này mới chỉ là một kênh thông tin có tính chất thảo luận, tham khảo. Ngay trong cộng đồng DN thôi cũng đã có sự phân hoá về mặt lợi ích khi tham gia các hiệp định thương mại quốc tế; trong đó, có những DN, hiệp hội DN được hưởng lợi, ngược lại cũng sẽ có một số phải chịu hại. Tôi cho rằng, Chính phủ cần tham vấn thông tin đa chiều từ nhiều kênh khác nhau, qua đó phân tích, đánh giá, cân nhắc các ý kiến, đề xuất của các đối tượng liên quan, nhất là các đối tượng trực tiếp được hưởng lợi hoặc chịu sự tác động của hiệp định này để thấy rõ hết những lợi ích và những thiệt hại không chỉ đối với toàn nền kinh tế mà đối với từng ngành kinh tế và các đối tượng liên quan để đưa ra các phương cách hiệu quả, hài hoà nhất.

Ông có lời khuyên gì cho DN nhằm tận dụng tối đa lợi ích TPP có thể mang lại trong trường hợp Việt Nam đàm phán và ký kết?

Liên quan đến TPP hiện nay mới nêu ra những vấn đề cơ bản. Những cam kết cụ thể khi đàm phán và ký kết tại thời điểm này với Việt Nam chưa bàn đến. Song tôi có thể khẳng định, đây là một hiệp định mang tầm thế kỷ, phạm vi của nó rất rộng, tính chất rất sâu ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của các nước tham gia ký kết TPP. Vì vậy, tất cả các ngành có liên quan (hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam đều liên quan đến TPP) cần phải nghiên cứu sâu sắc, kỹ lưỡng hiệp định này. Trong những trường hợp xét thấy cần thiết, cơ quan đàm phán của Chính phủ cần phải công bố công khai các thông tin đàm phán (nếu có thể) cho các đối tượng liên quan được biết và thảo luận, đề xuất ý kiến./.

Xin cảm ơn ông!

Ông Jay L. Eizenstat, Esq, luật sư cao cấp về chính sách của Công ty Miller & Chevallier của Hoa Kỳ cho rằng:

TPP là một hiệp định thương mại tư do khu vực toàn diện có thể đem đến những cơ hội rất lớn cho Việt Nam kết nối nền kinh tế của mình với Hoa Kỳ và các thành viên TPP khác. Nó có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế và đảy mạnh xuất khẩu, tạo thuận lợi cho thương mại và hiệu quả trong chuỗi cung ứng, hiện đại hoá các lĩnh vực dịch vụ, đẩy nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, mở cửa thị trường mua sắm; thuận lợi trong tiếp cận thị trường tất cả các nước TPP, trong đó có các lĩnh vực quan trọng của Việt Nam như nuôi trồng thuỷ sản, dệt may, da giầy, đồ nội thất; được giảm thuế đối với hàng hoá xuất khẩu sang Hoa Kỳ, cắt giảm thuế đối với nhà nhập khẩu Hoa Kỳ; cải thiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu; có cơ hội được công nhận là nền kinh tế thị trường sớm hơn...

Tuy nhiên, thách thức đối với Việt Nam trong việc tham gia TPP cũng sẽ rất lớn trong việc cải cách lao động để đạt được các tiêu chuẩn có thể chấp nhận được bởi các thành viên TPP khác; tiếp tục phải đối mặt với vấn đề nền kinh tế phi thị trường (chỉ một vài nước TPP công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường); TPP sẽ không giúp loại bỏ các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng, không giúp hạn chế việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam và nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp vẫn tiếp tục diễn ra; hạn chế của Việt Nam trong năng lực và thực thi; phải thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ ở mức TRIPS+; tham gia Hiệp định mua sắm Chính phủ; thực hiện các cam kết về môi trường...

Nguồn: Báo kinh tế Việt Nam