Lịch sử hình thành và diễn biến đàm phán TPP

31/12/2010    695

Đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện nay có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – còn gọi là P4) - một Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei 

Năm 2007, các nước thành viên P4 quyết định mở rộng phạm vi đàm phán của Hiệp định này ra các vấn đề dịch vụ tài chính và đầu tư và trao đổi với Hoa Kỳ về khả năng nước này tham gia vào đàm phán mở rộng của P4. Phía Hoa Kỳ cũng bắt đầu tiến hành nghiên cứu vấn đề, tham vấn nội bộ với các nhóm lợi ích và Nghị viện về vấn đề này. 

Tháng 9/2008, USTR thông báo quyết định của Hoa Kỳ tham gia đàm phán P4 mở rộng và chính thức tham gia một số cuộc thảo luận về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính với các nước P4. Tháng 11 cùng năm, các nước Úc, Peru và Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm và tham gia đàm phán TPP, nâng tổng số thành viên tham gia lên 8 nước (trừ Việt Nam đến 13/11/2010 mới tuyên bố tham gia đàm phán với tư cách thành viên đầy đủ, các nước khác quyết định tham gia chính thức ngay từ đầu). Cũng từ thời điểm này, đàm phán mở rộng P4 được đặt tên lại là đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên đàm phán TPP mới đã bị trì hoãn đến tận cuối 2009 do phải chờ đợi Hoa Kỳ hoàn thành kỳ bầu cử Tổng thống và Chính quyền mới của Tổng thống Obama tham vấn và xem xét lại việc tham gia đàm phán TPP. Tháng 12/2009 USTR mới thông báo quyết định của Tổng thống Obama về việc Hoa Kỳ tiếp tục tham gia TPP. Chỉ lúc này đàm phán TPP mới được chính thức khởi động.

Vòng đàm phán TPP đầu tiên được tiến hành tại Melbourn - Úc vào tháng 3/2010. Năm 2010 đã chứng kiến 4 vòng đàm phán trong khuôn khổ TPP (Vòng 2, 3 đã tiến hành tại San Francisco - Hoa Kỳ tháng 6/2010 và tại Brunei tháng 10/2010, Vòng 4 vừa kết thúc trung tuần 12/2010 tại New Zealand). 

Các nước đàm phán đặt mục tiêu là sẽ hoàn thành đàm phán TPP vào cuối 2011 sau 5 vòng đàm phán dự kiến trong năm này. Mục tiêu này được đánh giá là hơi quá tham vọng bởi các đối tác tham gia TPP hiện còn khá xa nhau về quan điểm trong một số vấn đề cũng như kỳ vọng ở TPP. Tuy nhiên với quyết tâm của các nước, khả năng những vấn đề quan trọng và cơ bản nhất của TPP sẽ được thống nhất trước khi kết thúc 2011 là tương đối hiện thực.

Các đối tác TPP

Như vậy, có 08 đối tác tham gia 03 Vòng đàm phán đầu tiên của TPP, bao gồm 4 nước thành viên P4 (là New Zealand, Brunei, Chile, Singapore) và 4 nước bên ngoài (là Australia, Peru, Hoa Kỳ và Việt Nam). Malaysia tham gia TPP từ Vòng đàm phán thứ 3, nâng tổng số đối tác tham gia đàm phán TPP lên 9 nước. 

Trong tương lai, số lượng các bên tham gia đàm phán còn có thể mở rộng thêm bởi nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và APEC đã tỏ thái độ quan tâm đến TPP, đặc biệt là Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan. 

Ủy ban tư vấn về CSTMQT

Xem Hiệp định Hợp tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (P4) tại đây