Phạm vi điều chỉnh của TPP

31/12/2010    388

Mặc dù đã trải qua 04 Vòng đàm phán chính thức (và 01 Vòng đàm phán giữa kỳ tại Peru tháng 8/2010), hiện nay chưa có sự thống nhất nào về phạm vi đàm phán TPP. Cho đến hết Vòng 4 vừa rồi, các bên mới chỉ thảo luận sơ bộ về các vấn đề chung (với việc chia thành 24 nhóm vấn đề để thảo luận) và các vấn đề kỹ thuật chuẩn bị cho bản chào đầu tiên (dự kiến đưa ra vào Vòng 5 tổ chức vào tháng 2 sắp tới tại Chile). Bốn vòng vừa rồi được xem là đã tương đối thành công của TPP (so với tốc độ đàm phán các FTA thường thấy). Các nước được xem là đã đạt được nhất trí cơ bản trong các nguyên tắc đàm phán và đã thiết lập được khuôn khổ cho các cam kết nền (kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cạnh tranh…). Đây được xem là thành công ban đầu tuy còn rất chung chung và vẫn tồn tại những bất đồng xung quanh các vấn đề này (trong đó đặc biệt vẫn còn chia rẽ trong cách thức xử lý mối quan hệ gữa TPP và những FTA đã tồn tại giữa các nước đối tác trong TPP cũng như cách thức đàm phán các cam kết mới trong TPP).

Mặc dù chưa đi vào cụ thể, phạm vi điều chỉnh tương lai của TPP có thể được suy đoán phần nào khi nhìn vào tính chất của các FTA nói chung, hiện trạng P4 nói riêng cũng như tham vọng đối với TPP của Hoa Kỳ, bên đàm phán có ảnh hưởng lớn nhất đối với tiến triển đàm phán. 

Cụ thể, phạm vi điều chỉnh của TPP được xem là “bị quy định” bởi ít nhất 03 yếu tố sau:

- TPP – Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Về nguyên tắc, các Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreements - FTA) đòi hỏi mức độ cam kết mở cửa sâu hơn các cam kết mở cửa thương mại thông thường (thể hiện chủ yếu ở các lĩnh vực phải cam kết mở cửa rộng hơn, mức độ mở cửa như cắt giảm thuế quan, loại bỏ các điều kiện tiếp cận thị trường…). 

Quá trình hội nhập và toàn cầu hóa hoạt động thương mại trên thế giới đã chứng kiến 03 thế hệ các FTA, bắt đầu từ các FTA thế hệ thứ nhất tập trung ở việc tự do hóa lĩnh vực thương mại hàng hóa (cắt giảm thuế quan, loại bỏ các rào cản phi thuế), sang các FTA thế hệ thứ hai với việc mở rộng phạm vi tự do hóa sang các lĩnh vực dịch vụ nhất định (xóa bỏ các điều kiện tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực dịch vụ liên quan), và FTA thế hệ thứ ba tiếp tục mở rộng phạm vi tự do về dịch vụ, đầu tư.

Các hiệp định FTA trong thời gian gần đây (đặc biệt là các FTA mà Hoa Kỳ đàm phán) chứng kiến một xu hướng mới trong đó không chỉ những lĩnh vực thương mại mở cửa được đề cập mà cả những vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường cũng được đưa vào đàm phán và ký kết.

Là một hiệp định mới nhất được đàm phán trong thời gian này, rõ ràng TPP sẽ khó đi chệch xu hướng này. Phạm vi của Hiệp định này, vì vậy, được dự kiến là sẽ rất rộng và phức tạp, với các vấn đề thương mại và phi thương mại đan xen.

- TPP – Sự phát triển của P4

Với “nền tảng” là Hiệp định P4, TPP được dự kiến là mở rộng và đa dạng hóa các lĩnh vực cam kết mà P4 đã đề cập. Theo một logic tự nhiên TPP được suy đoán có phạm vi rộng hơn P4.

Trong khi đó P4 đã có cam kết mạnh về thuế quan và nhiều vấn đề phi thuế quan như (xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, chính sách cạnh tranh…và cả những vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường).

Vì vậy TPP mới chắc chắn sẽ có phạm vi lớn hơn nữa.

- TPP – “FTA của thế kỷ 21”

Tham gia đàm phán TPP, Hoa Kỳ tuyên bố nước này kỳ vọng TPP sẽ tạo dựng một chuẩn mới cho các “FTA của thế kỷ 21”. Rõ ràng đây không phải là một tuyên bố hình thức khi người ta nhìn vào các FTA mà Hoa Kỳ đàm phán trong thời gian gần đây (FTA với Panama, Colombia và đặc biệt là FTA với Hàn Quốc ). Mong muốn đằng sau tuyên bố này là Hoa Kỳ sẽ cố gắng để TPP có phạm vi lớn nhất có thể, và với mức độ mở cửa rộng nhất có thể.

Với tham vọng như vậy của “người cầm trịch”, đàm phán TPP khó có thể là một đàm phán ở mức độ “tự do cầm chừng” hay phạm vi “tự do hạn chế”.

Những yếu tố nêu trên là căn cứ để nhiều chuyên gia cho rằng mặc dù chưa xác định các nội dung đàm phán thực chất, TPP sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng, với xu hướng đàm phán tự do mạnh mẽ , ví dụ:

- Thuế quan: Cắt giảm hầu hết các dòng thuế (ít nhất 90%), thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn

- Dịch vụ: Tăng mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính

- Đầu tư: Tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư

- Quyền sở hữu trí tuệ: Tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với mức trong WTO (WTO+)

- Các biện pháp SPS, TBT: Siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật;

- Cạnh tranh và mua sắm công: Tăng cường cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công

- Các vấn đề lao động: đặc biệt là các vấn đề về quyền lập hội (nghiệp đoàn), quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, quy định cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, quy định cấm khai thác lao động trẻ em, quy định không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động.

- Các vấn đề phi thương mại khác: Tăng yêu cầu về môi trường  

Ủy ban tư vấn về CSTMQT