Tin tức

Tuân thủ IUU- "Giấy thông hành" cho thủy sản Việt vào thị trường EU

17/02/2020    291

Muốn ngành thủy sản phát triển bền vững, gắn bảo tồn với khai thác hợp lý thì phải hội nhập quốc tế. Muốn xuất khẩu vào thị trường lớn phải tuân thủ quy định tại thị trường đó, không chỉ riêng Châu Âu mà còn nhiều thị trường lớn khác như Nhật, Mỹ… Trong đó đặc biệt lưu tâm đến việc kiểm soát tốt truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Ngày 15/2, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN & PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp lý, không có báo cáo và không được quản lý khai thác (gọi tắt là IUU) dẫn đầu đã làm việc với TP. Đà Nẵng về tình hình sản xuất, quản lý hoạt động thủy sản và triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017; kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

TP. Đà Nẵng hiện có 1.230 tàu cá với tổng công suất 40.781 CV. Cơ cấu nghề cá tại thành phố có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm số lượng tàu khai thác vùng ven bờ và vùng lộng, tăng số lượng tàu khai thác ở vùng khơi.

Theo Sở NN & PTNT thành phố, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực triển khai các quy định về hoạt động khai thác đánh bắt hải sản. Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá đã bố trí người trực 24/24 các ngày để hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định.

Hiện đã có 16/17 tàu đã thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình movimar, 1 tàu còn lại đang nằm bờ, chưa đi biển nên chưa lắp đặt. Qua 44 cuộc thanh tra, kiểm tra hơn 8.300 lượt tàu cá về việc chấp hành các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định (như ghi nhận ký khai thác, lắp thiết bị giám sát hành trình…), cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính hơn 200 triệu đồng.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” về IUU đối với Việt Nam, chưa có tàu cá nào của Đà Nẵng đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. TP. Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ khai thác hải sản ngoài khơi cho ngư dân như tất cả tàu cá khai thác vùng biển khơi đều lắp thiết bị hành trình đều được hỗ trợ 100% thiết bị của năm đầu thuê bao. Hỗ trợ chủ tàu mua bảo hiểm thân tàu, trong đó chú tàu chỉ đóng góp 10%, 90% còn lại đến từ sự hỗ trợ của Trung ương và chính quyền địa phương. “Để thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC, trong cuộc họp về việc đầu tư xây dựng cảng cá Thọ Quang mới đây, TP. Đà Nẵng đang xem xét lồng ghép các tiêu chí của IUU cho các tàu, tàu nào đáp ứng đúng yêu cầu như lắp thiết bị giám sát hành trình, bảo hiểm thân tàu… vì được vào cảng, ngược lại sẽ không được cập cảng”, ông Minh nói.

Theo các chuyên gia của đoàn công tác, Đà Nẵng đã làm tốt công tác hỗ trợ ngư dân, việc vi phạm vùng biển không còn… tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế và vi phạm như việc ghi sổ theo dõi vào cảng còn chưa đảm bảo tính đáng tin cậy; vai trò quản lý nhà nước tại cảng cá Thọ Quang còn mờ nhạt; việc triển khai, giám sát thực hiện các khuyến nghị của EC mới chỉ giao cho Ban quản lý cảng cá; hồ sơ ra vào cảng cá còn thiếu chữ ký của ngư dân….Đặc biệt tồn tại lớn nhất là việc ghi chép nhật ký khai thác, “nhật ký khai thác phải do ngư dân viết trong quá trình khai thác trên biển”.

Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Thọ Quang và làm việc với lãnh đạo thành phố, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực của TP. Đà Nẵng chung tay cùng cả nước khắc phục những hạn chế mà EC đưa ra. Đồng thời nhấn mạnh Đà Nẵng là một trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước, mặc dù đội tàu chỉ hơn 35.000 tấn, nhưng có âu thuyền Thọ Quang, là cảng cá của miền Trung, tổng sản lượng hải sản qua cảng đạt hơn 100 nghìn tấn/năm, vì vậy Đà Nẵng phải đi đầu tiên phong về mọi mặt. Ông Tiến cho rằng muốn có một ngành thuỷ sản phát biển bền vững, bảo tồn đi đôi với khai thác hợp lý thì cần phải chủ động hội nhập quốc tế. “Muốn xuất khẩu vào thị trường lớn phải tuân thủ quy định, không chỉ riêng thị trường châu Âu mà thị trường Nhật, Mỹ cũng sẽ thế, phải kiểm soát tốt việc truy xuất nguồn gốc. Việc truy xuất nguồn gốc tưởng dễ nhưng rất phức tạp, nếu không làm nghiêm thì sẽ trở thành một thói quen xấu.…”, ông Tiến nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 14/2, Đoàn công tác cũng đã có các buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam về việc thực hiện các khuyến nghị của EC trong thực thi IUU.

Tại Quảng Ngãi, yếu điểm lớn nhất là công tác quản lý, kiểm soát tàu cá còn nhiều bất cập. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ số tàu cá lắp đặt thiết bị hành trình ít nhất cả nước với 8,27% tàu cá (mới chỉ có 276/3.351 tàu cá thuộc diện phải lắp thiết bị hành trình có lắp thiết bị). Tương tự, tại Quảng Nam công tác triển khai kiểm soát, giám sát tàu cá còn chưa hiệu quả.

Ông Phùng Đức Tiến cho biết tháng 6/2020, thanh tra EC sẽ kiểm tra về việc thực hiện các khuyến nghị của E để tuân theo quy định của IUU. Nếu không khẩn trương khắc phục các bất cập, thì việc gỡ thẻ vàng EC trong lần kiểm tra tới là rất khó. Ông Tiến đề nghị các địa phương cần tập trung giải quyết 4 nhóm vấn đề theo khuyến nghị của EC về: tăng cường kiểm tra, quản lý tàu cá; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; và xây dựng một hệ thống kiểm soát toàn diện tuân thủ các quy định của IUU.

Nguồn: Báo Công Thương