Tin tức

Quốc hội và EVFTA

17/02/2020    375

Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đồng nghĩa với việc cánh cửa cuối cùng và khó khăn nhất ở đầu EU đã mở rộng. Hiệp định quan trọng này sẽ chỉ còn chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn là đủ điều kiện để chính thức có hiệu lực đầy đủ. Như thế, con đường ưu tiên đầu tiên cho thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với khu vực kinh tế lớn thứ hai toàn cầu này, sẽ chỉ còn một bước nhỏ trước khi chính thức được “thông xe”.

Với một nền kinh tế mở, định hướng xuất khẩu như Việt Nam, đây là một dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt. Cơ hội xóa bỏ thuế quan với khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu và 65% kim ngạch nhập khẩu với EU sẽ có thể được hiện thực hóa ngay trong năm nay. Việc mở cửa mạnh các thị trường mua sắm công, dịch vụ và đầu tư giữa Việt Nam và EU cũng hứa hẹn cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp Việt Nam ở EU, và giúp các thị trường dịch vụ ở Việt Nam cạnh tranh hơn, mang lại cơ hội giảm chi phí vốn, chi phí logistics… cho các doanh nghiệp.

EVFTA có hiệu lực cũng là động lực và sức ép thúc đẩy cải cách thể chế, phát triển bền vững, hài hòa và bao trùm từ việc thực thi các cam kết quy tắc tiêu chuẩn cao trong nhiều lĩnh vực đầu tư, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội...

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải tìm lối ra cho những sức ép kinh tế nặng nề từ dịch cúm Covid-19, EVFTA theo tôi có thể là một trong những đường thoát có ý nghĩa.

Lấy ví dụ như với nông sản. EU là thị trường có nhu cầu khổng lồ đối với nông sản nhiệt đới Việt Nam, thuế quan với phần lớn nông sản được xóa bỏ ngay theo EVFTA. Hàng rào tiêu chuẩn, vệ sinh của EU rất cao, nhưng minh bạch. Đặc biệt EU không đòi hỏi giấy phép nhập khẩu với từng loại nông sản như thị trường Mỹ hay Australia.

Cũng như vậy, đối với các mặt hàng công nghiệp như điện tử, dệt may, giày dép…, cơ hội thuế quan ở thị trường lớn EU có thể là động lực để tăng đầu tư cho công nghiệp phụ trợ, tự chủ nguồn nguyên phụ liệu. Nếu làm được, sản xuất của chúng ta sẽ không còn phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung Trung Quốc trong khi lại có thể gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh.

Tuy vậy, hiện thực hóa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) vốn luôn là bài toán khó với Việt Nam. EVFTA là FTA thứ 13 của chúng ta rồi, có lẽ những bài học kinh nghiệm từ các FTA trước đã đủ để chúng ta thay đổi tình hình.

Rất nhiều việc mà doanh nghiệp và Chính phủ phải làm, nhưng nếu phải chọn thì theo tôi có 2 việc quan trọng. Thứ nhất là doanh nghiệp phải hiểu cặn kẽ các cam kết, từ đó hành động thích hợp tận dụng cơ hội. Và thứ hai là nâng cao năng lực nền của doanh nghiệp để có đủ lực mà cạnh tranh. Với cả hai việc này, sự chủ động của doanh nghiệp là tiên quyết. Nhưng hành động của Chính phủ, dù trong phổ biến tuyên truyền, tổ chức thực hiện Hiệp định hay trong các chính sách lớn hơn về môi trường kinh doanh, thể chế, đều là điều kiện không thể thiếu.

Là cơ quan phê chuẩn EVFTA, Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc xác định khung khổ và định hướng cho việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật. Từ kinh nghiệm của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một FTA tương tự như EVFTA, có một số việc cần chú ý. Thứ nhất, nội luật hóa cam kết không nên chỉ dừng lại ở các yêu cầu của cam kết - vì lời hứa với đối tác, mà phải đi xa hơn thế, hướng tới các yêu cầu thực thi hiệu quả cam kết - vì nhu cầu và lợi ích của chính mình. Thứ hai, chỉ áp dụng trực tiếp những cam kết đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng ngay trên thực tế. Ví dụ, không phải cam kết mở cửa thị trường dịch vụ nào cũng đủ rõ; cam kết thuế quan đủ rõ nhưng lại không thể áp dụng được ngay. Và cuối cùng, cần có chỉ đạo nghiêm khắc và kiên quyết về việc bảo đảm thời hạn ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, tránh tình trạng chậm trễ nhiều tháng, thậm chí cả năm như đã, đang xảy ra với CPTPP.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân