Tin tức

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Ngưng "độ nóng" vì dịch bệnh viêm phổi?

11/02/2020    403

Tờ South China Morning Post ngày 04/2/2020 dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán do vi rút corona mới (2019-nCoV) có thể gây cản trở đến việc thi hành thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm là liệu Mỹ có lợi dụng tình thế dịch 2019-nCoV để gây khó cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Dịch 2019-nCoV có nguy cơ ảnh hưởng thương mại Mỹ - Trung

Hàng loạt quốc gia lần lượt sơ tán công dân khỏi ổ dịch viêm phổi Vũ Hán, khuyến cáo tránh đến Trung Quốc sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Theo ông James Zimmerman, cựu Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc và hiện là đối tác của Công ty Luật toàn cầu Perkins Coie nói rằng đợt dịch lần này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối thoại thương mại Mỹ - Trung và việc thi hành thỏa thuận giai đoạn 1.

Thỏa thuận được ký hồi tháng 1 tại Washington D.C có điều khoản nêu rằng 2 nước sẽ bàn bạc với nhau trong trường hợp xảy ra thiên tai hoặc sự kiện không dự báo trước. Bloomberg mới đây dẫn nguồn loan tin các quan chức Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ linh động về một số cam kết trong thỏa thuận.

Tuy nhiên, ngay sau khi dịch 2019-nCoV bùng phát, chính quyền Mỹ ngày 31/1/2020 đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với người từ Trung Quốc sang nhằm ngăn dịch 2019-nCoV. Điều này khiến gần như ngay lập tức, Trung Quốc chỉ trích Mỹ làm “lan truyền nỗi sợ” về vi rút.

Theo chuyên gia Zimmerman, lệnh cấm nhập cảnh và hạn chế công dân đến Trung Quốc sẽ cản trở 2 bên trong việc thương lượng vì “không thể đàm phán hiệu quả thông qua mạng xã hội, bằng email hay gọi điện thoại video”.

Mới đây, Apple đã cho biết họ sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng và văn phòng công ty tại Trung Quốc cho đến ngày 9/2. Điều này sẽ khiến công ty phải đối mặt với việc ngừng hoạt động các nhà máy sản xuất linh kiện cho các sản phẩm mà họ bán trên toàn thế giới.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán bên ngoài Trung Quốc, bao gồm Mỹ, cũng đã bị ảnh hưởng trước sự bùng phát của dịch bệnh và những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu. Vào thứ sáu (31/1) vừa qua, chỉ số S&P 500 đã chứng kiến ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2019, trong khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm mạnh khoảng 600 điểm.

Tuy nhiên, chuyên gia Trần Long của hãng Plenum chuyên nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng tình hình hiện nay sẽ chỉ gây tác động hạn chế, và 2 tháng 6 và 7/2020 sẽ là giai đoạn then chốt cho mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

“Hai bên sẽ đánh giá cấp cao về việc thi hành thỏa thuận giai đoạn 1 vào thời điểm đó và đảng Dân chủ Mỹ sẽ đề cử ứng viên tổng thống năm 2020 vào tháng 7. Nếu tình hình xấu cho Tổng thống Donald Trump, có khả năng ông ấy sẽ thay đổi chiến lược vận động bằng cách gia tăng chỉ trích Trung Quốc”, ông Trần nhận định.

Những động thái quyết liệt từ phía Mỹ

Ngày 31/1/2020, Bộ trưởng Y tế và Nhân lực Mỹ Alex Azar thông báo đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp tại Mỹ do dịch bệnh 2019-nCoV gây ra. Tình trạng này sẽ có hiệu lực từ ngày 02/2 cho đến khi có thông báo tiếp. Với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, giới chức Mỹ thực thi hàng loạt biện pháp nhằm ngăn dịch viêm phổi do dịch 2019-nCoV lây lan.

Trong một động thái khác, đồng thời với việc chính quyền Mỹ đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp đối với dịch viêm phổi Vũ Hán do vi rút Corona mới gây ra là việc cấm nhập cảnh mọi hành khách từ Trung Quốc sang.

Theo đó, lệnh cấm nhập cảnh sẽ áp dụng với người Trung Quốc và người nước ngoài đã đi đến Trung Quốc trong 2 tuần trước khi sang Mỹ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Azar cho biết, Mỹ còn đưa ra quy định bắt buộc công dân Mỹ đã đi đến tâm dịch Hồ Bắc phải bị cách ly trong vòng 14 ngày.

Đối với các công dân Mỹ vừa từ những vùng khác của Trung Quốc trở về sẽ bị kiểm tra sức khỏe khi nhập cảnh và sẽ phải tự cách ly tại nhà để theo dõi. Mọi chuyến bay thương mại từ Trung Quốc sẽ chỉ được đáp xuống 7 sân bay được chỉ định tại Mỹ.

“Đừng đến Trung Quốc vì đang có dịch viêm phổi Vũ Hán”, Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo, đồng thời nâng cảnh báo lên mức nguy hiểm đối với Trung Quốc, ngang hàng với Afghanistan và Iraq. Chính phủ Nhật Bản cùng các nước khác cũng kêu gọi công dân tránh những chuyến đi không khẩn cấp đến Trung Quốc và tuyệt đối không đến Vũ Hán.

Nhiều hãng hàng không đã ngừng bay đến Trung Quốc đại lục, bao gồm Air France KLM SA, British Airways, Lufthansa và Virgin Atlantic. Trong khi những hãng khác thì cắt giảm chuyến bay.

Mặt khác, đợt bùng phát dịch mới 2019-nCoV cũng được cho là sẽ ảnh hưởng đến chương trình ngoại giao của Trung Quốc trong thời gian sắp tới.

Tác động gì đến cạnh tranh Mỹ - Trung?

Trung Quốc hiện bị thách thức nhiều nhất và gay gắt nhất. Dịch bệnh càng kéo dài thì thách thức này đương nhiên càng thêm quyết liệt. Điều có thể chắc chắn được là Trung Quốc sẽ cần nhiều thời gian để khắc phục hệ luỵ của đại dịch mới lần này hơn là khi xưa cho việc khắc phục hệ lụy của dịch bệnh SARS.

Dịch bệnh mới 2019-nCoV nhiều khả năng sẽ buộc Trung Quốc phải điều chỉnh tiến độ và mức độ thực hiện những dự án và kế hoạch lớn đã đề ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trung Quốc chắc sẽ phải ưu tiên và tập trung nhiều hơn nữa cho đối nội.

Theo đó, dịch SARS có thể chưa nhưng dịch bệnh mới này rất có thể đã buộc Mỹ và nhiều đối tác trên thế giới phải nhìn nhận Trung Quốc bằng con mắt khác và định hướng quan hệ hợp tác của họ với Trung Quốc từ nay theo cách tiếp cận khác.

Có thể vì lợi ích lâu dài trong thương mại với Trung Quốc, Mỹ chắc sẽ không lợi dụng tình thế hiện tại khó khăn và khó xử hơn trước của Trung Quốc để gây khó thêm và ép mạnh thêm đối với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược nói chung và cuộc xung khắc thương mại nói riêng.

Tuy nhiên, cũng có thể, Mỹ cũng chẳng vì những khó khăn của Trung Quốc hiện nay mà “ngừng chiến giảm tranh” với Trung Quốc nhằm đảm bảo những lợi ích căn bản trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nguồn: Tạp chí Tài chính