Tin tức

Vai trò của RCEP đối với Malaysia

25/12/2019    263

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã chi phối bối cảnh thương mại, dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng giá trị, nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Malaysia.

Malaysia gần đây đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP). Trong khi Mỹ khuyến cáo các nước không sử dụng công nghệ 5G của tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc), quốc gia Đông Nam Á tiếp tục nhất quán lập trường sử dụng công nghệ của Huawei để thúc đẩy nền kinh tế số.

Năm 2019, trong khi trừng phạt lẫn nhau bằng các biện pháp thuế quan trị giá hàng tỷ USD, điểm nổi bật của chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là cáo buộc hoạt động gián điệp đối với “gã khổng lồ” công nghệ Huawei cùng việc tẩy chay công nghệ của hãng này sau đó. Tuy nhiên, về phía mình, Malaysia tiếp tục duy trì lập trường sử dụng công nghệ của Huawei cho cuộc cách mạng 5G và tiến tới nền kinh tế số.

ASEAN trong bối cảnh thương mại tự do toàn cầu bị thách thức

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực để giảm leo thang căng thẳng thương mại và đã đạt được kết quả tích cực ban đầu nhằm làm dịu bớt tình hình, song cho đến nay, một giải pháp tuyệt đối dường như rất xa vời.

Chủ nghĩa bảo hộ cực đoan đã mang lại hệ quả xấu cho thương mại cho dù thông qua hàng rào thuế quan hoặc phi thuế quan (NTBs). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận định trên phạm vi toàn cầu, chỉ số bất ổn chính sách thương mại đang tăng mạnh và sẽ được duy trì ở mức thấp trong khoảng 20 năm, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra. Trong một bản thông báo, IMF cho biết sự gia tăng bất ổn thương mại trong quý I/2019 đủ để khiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại 0,75% trong năm 2019.

Gần trung tâm của chiến tranh thương mại, cuộc đấu tranh để loại bỏ NTBs vẫn là một thách thức lớn trong khối ASEAN, gồm 10 nước thành viên với 650 triệu dân. Trong bản báo cáo kết quả công trình nghiên cứu “NTBs trong ASEAN - Loại bỏ NTBs khỏi tư duy kinh doanh”, Trung tâm Thương mại châu Á (ATC) đã chỉ ra sự thiếu hiệu quả trong giải quyết các vấn đề thương mại gồm bất bình đẳng, khó khăn và chi phí đã góp phần làm suy yếu tiến trình hướng tới Mục tiêu Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025.

ATC đã chỉ ra sự tồn tại của hơn 6.000 loại NTBs trong ASEAN đã ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của khu vực này. Đối với ASEAN hiện nay, để đạt được nền kinh tế hội nhập và gắn kết cao, hiệp hội này cần phải giải quyết vấn đề thuế quan và đòi hỏi sự cam kết cũng như tham gia bình đẳng của tất các nền kinh tế thành viên.

Mặt khác, lập trường này là phương thức cần thiết và hữu hiệu cho khu vực khi giao thương với các nền kinh tế lớn hơn trong phạm vi toàn cầu.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 tại Thái Lan, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã kêu gọi các nước ASEAN cần đoàn kết, hành động trong một khối thống nhất nhằm nâng cao vai trò của Hiệp hội và từ đó mang lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên.

Ông nói: “Nếu bạn muốn được lắng nghe, bạn phải rất mạnh mẽ, mạnh mẽ hoặc rất giàu có, nếu không, không ai lắng nghe bạn. Nếu chúng ta hoạt động với tư cách một tổ chức khu vực, thì chúng ta sẽ có thu hút được sự ủng hộ của nhiều người trên các diễn đàn, và khi chúng ta có sự ủng hộ từ nhiều người hơn, chúng ta có thể tham dự tất cả các cuộc họp và được quyền bày tỏ quan điểm của mình”.

Tầm quan trọng của thương mại tự do đối với Malaysia

Cùng với ASEAN và là thành viên của một số thỏa thuận thương mại song phương và hợp tác kinh tế đa phương, Malaysia cũng là bên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hai thỏa thuận thương mại lớn, có thể làm thay đổi bộ mặt thương mại toàn cầu.

CPTPP là một thỏa thuận thương mại giữa 11 nền kinh tế bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm 13,4% GDP toàn cầu, trong đó có tám nước đã phê chuẩn, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia, Việt Nam và Chile.

Theo ông Ong Kian Ming, nhiều cam kết trong CPTPP có tác động lớn đến một số luật, chính sách và quy định hiện hành, bao gồm cả những điều thuộc thẩm quyền của Chính quyền liên bang Malaysia và chính quyền các bang.

Thứ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia (MITI) khẳng định trách nhiệm của Chính phủ Malaysia trong việc tham gia, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều phải chú trọng tới tự do và công bằng thương mại, phù hợp với kế hoạch và việc việc thực hiện các chính sách phát triển quốc gia của Malaysia và phân phối lợi ích kinh tế tới các nhóm mục tiêu rõ ràng.

Trong bối cảnh những thách thức và sự hỗn độn, RCEP, một hiệp định thương mại đa phương chiếm tới 1/3 tổng GDP toàn cầu, mang lại nhiều sự lạc quan, loại trừ Ấn Độ.

Năm 2012, ý tưởng về RCEP xuất hiện với sự tham gia của 16 quốc gia. Tới nay, 10 nước thành viên ASEAN cùng 5 đối tác thương mại chính của Hiệp hội gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đã sẵn sàng cho việc ký kết vào năm 2020, trong khi Ấn Độ đã rút lui vào phút chót, do nước này lo ngại những cú sốc kinh tế tiềm tàng khi tham gia RCEP.

Chuyên gia Rajiv Biswas, hiện là Nhà kinh tế trưởng của trung tâm IHS Markit, chuyên nghiên cứu, phân tích đánh giá tình hình kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng các đảng chính trị và các tập đoàn công nghiệp Ấn Độ có sự lo lắng, đặc biệt là những tác động xấu tiềm tàng từ việc xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với thương mại dành cho Trung Quốc khi Ấn Độ không có FTA với Trung Quốc, điều mà các nước ASEAN đã đạt được với Trung Quốc trước đây.

Theo Thứ trưởng MITI, Ấn Độ lo ngại nhiều khu vực công nghiệp nội địa sẽ không có khả năng cạnh tranh hiệu quả với các nhà sản xuất Trung Quốc.

Là nền thương mại lớn thứ 18 thế giới, các hợp đồng thương mại và khả năng tiếp cận nhiều thị trường hơn nữa có tầm quan trọng đối với tăng trưởng và thịnh vượng của Malaysia, do đó tiến triển trong đàm phán RCEP là bước phát triển lớn, mặc dù chủ nghĩa bảo hộ thương mại vẫn còn tồn tại thông qua hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Đây cũng là lý do mà Malaysia ủng hộ thúc đẩy, ký kết RCEP trong khi chần chừ chưa thông qua CPTPP./.

Nguồn TTXVN