Tin tức

Thị trường tài chính trước “giờ G” EVFTA

30/10/2019    318

Nếu được Quốc hội phê chuẩn, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực và đi vào thực thi. Đây cũng là lúc thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam buộc phải mở cửa theo các cam kết của hiệp định.

Buộc phải cam kết mở cửa TTTC

Trong EVFTA, về cơ bản Việt Nam giữ nguyên các mức cam kết mở cửa đối với dịch vụ tài chính ngân hàng như các cam kết với WTO. Cụ thể, liên quan tới dịch vụ được cung cấp qua biên giới, doanh nghiệp (DN) của Liên minh châu Âu (EU) được phép cung cấp các dịch vụ qua biên giới cho khách hàng tại Việt Nam, bao gồm cung cấp, chuyển thông tin và xử lý dữ liệu tài chính, các dịch vụ tư vấn, trung gian môi giới và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác. 

 

Về việc thành lập hiện diện thương mại của DN EU tại Việt Nam, Việt Nam cam kết cho phép ngân hàng nước ngoài được mở hiện diện thương mại dưới mọi hình thức (liên doanh vốn nước ngoài không được quá 50%, chi nhánh không được phép mở cơ sở mới ngoài trụ sở chính của chi nhánh); công ty tài chính hoặc cho thuê tài chính nước ngoài được mở dưới mọi hình thức, trừ chi nhánh và các đơn vị này không bị hạn chế việc nhận tiền gửi VNĐ.

Trường hợp DN EU muốn mua cổ phần tại DN Việt Nam sẽ theo quy định về mức trần cổ phần được phép mua trong ngân hàng quốc doanh, đối với ngân hàng thương mại mức cổ phần được phép mua tối đa 30%.

Thực tế cho thấy, trong vòng chục năm qua, TTTC nước ta luôn giữ đà tăng trưởng ổn định, gần như đứng đầu các nhóm ngành. Theo Tổng cục Thống kê, ngành bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 7,5%/năm trong giai đoạn 2005-2015, cao hơn tốc độ tăng GDP trung bình của toàn ngành dịch vụ trong cùng giai đoạn (chỉ ở mức 5,57%). Năm 2018, quy mô tài sản của ngành tăng 11,5% so với năm 2017, với tổng tài sản tương đương 203% GDP. 

Tính đến ngày 31-12-2018, cả nước có 388 DN, tổ chức được cấp phép hoạt động trong 3 lĩnh vực tài chính, bao gồm 64 đơn vị kinh doanh bảo hiểm, 126 ngân hàng, tổ chức phi tín dụng ngân hàng và 198 tổ chức chứng khoán. Ngoài ra còn có hàng ngàn chủ thể kinh doanh dịch vụ tài chính thuộc diện không cần giấy phép kinh doanh tài chính (dịch vụ cầm đồ, môi giới cho vay…). 

Thị trường tài chính  trước “giờ G” EVFTA ảnh 1

Dịch vụ tài chính được đánh giá là thị trường tiềm năng nhờ sự phát triển, mở rộng ấn tượng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các DN; sự gia tăng mạnh về mức thu nhập và tiêu dùng của dân cư; chính sách quản lý tiền tệ thay đổi theo hướng tích cực; DN ngành tài chính có những bước chuyển mạnh về chuyên môn, kỹ năng quản lý, công nghệ thông tin, qua đó nâng dần năng lực cạnh tranh… là những yếu tố cần thiết của một TTTC đang nổi.

Động lực cho nhà đầu tư ngoại

Là thị trường mới nổi đầy tiềm năng trong mắt nhà đầu tư, khi nguy cơ “bong bóng” tại nhiều nền kinh tế phát triển ngày càng lớn, sức hút đầu tư của Việt Nam ngày càng tăng. Những năm gần đây, thị trường mới nổi đã trở thành động lực tăng trưởng mới của kinh tế toàn cầu và ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn.

Đầu tư vào các thị trường này có tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cao hơn, do tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo cao hơn gấp 2-3 lần so với các nước phát triển. Không chỉ là thị trường mới nổi, Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn đối với các dòng vốn quốc tế, nhờ yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt chương trình cổ phần hóa DNNN trong 2 năm tới đang mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, có nhiều lý do dòng vốn đầu tư quốc tế đang hướng vào Việt Nam. Trước tiên, đây thị trường có tốc độ tăng trưởng khá cao. Thêm nữa, trong thời gian qua, Chính phủ đang có hành động mạnh mẽ nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, cam kết tiến hành mọi giải pháp để bảo vệ nhà đầu tư.  Đặc biệt, Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết hàng chục FTA với 55 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có EVFTA. 

Theo đó, khi các cam kết trong EVFTA chính thức đi vào thực thi, nhu cầu đối với dịch vụ tài chính sẽ gia tăng theo sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan trong EVFTA. EVFTA cũng tạo cơ hội đầu tư kinh doanh dịch vụ tài chính cho Việt Nam tại thị trường EU (với việc EU mở cửa dịch vụ tài chính cho Việt Nam ở mức cao nhất EU dành cho các đối tác FTA).

Từ đầu quý III đến nay, TTTC Việt Nam đã ghi nhận sự thăm dò của các nhà đầu tư tài chính tiềm năng đến từ EU, sau khi EVFTA được ký kết. Những diễn đàn, tọa đàm và hội thảo song phương, đa phương giữa các đối tác nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư trở nên dày đặc hơn. Rõ ràng, nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ EU đang ngày càng quan tâm hơn đến TTTC Việt Nam với tư cách là TTTC mới nổi trong khu vực.

Nhưng sự góp mặt của các nhà đầu tư tài chính đến từ EU cũng khiến sự cạnh tranh để chia lại thị phần từ “miếng bánh tài chính” ở Việt Nam trong tương lai gần sẽ gay gắt hơn, khi lâu nay “chiếc bánh” này chủ yếu tập trung trong tay nhà đầu tư tài chính truyền thống đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.  

Nguồn: Sài Gòn Đầu Tư