Tin tức

Đông Nam Á chủ động hút đầu tư

30/10/2019    75

Một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, đã bắt đầu đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài gia tăng như là hệ quả của sự chuyển hướng đầu tư và thương mại do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. 

Phát biểu tại Đại học California Berkeley (Mỹ) ngày 28-10, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng nhận định, sự tái định hướng lâu dài trong chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể là cơ hội vàng để Malaysia thu hút nguồn vốn đầu tư mới và đảo ngược tình trạng phi công nghiệp hóa quá sớm của nước này.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Malaysia đã phê duyệt 49,5 tỷ ringgit (12 tỷ USD) vốn đầu tư nước ngoài, cao gấp hai lần so cùng kỳ năm ngoái. Các khoản đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Đáng chú ý, hai quốc gia trong vòng chiến tranh thương mại lại là những nhà đầu tư lớn nhất tại Malaysia trong giai đoạn này, trong đó Mỹ đầu tư 11,7 tỷ ringgit (2,8 tỷ USD) và Trung Quốc đầu tư 4,8 tỷ ringgit (1,15 tỷ USD). 

Người đứng đầu Bộ Tài chính Malaysia cho rằng, nước này đã may mắn và thể hiện khả năng phục hồi trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp. Trong quý 2-2019, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia tăng 4,9% so với mức 4,5% của quý liền kề trước đó, đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành một trong số ít các nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn trong thời kỳ này.

Để cạnh tranh với Malaysia, Indonesia hồi đầu tháng 9 thông báo kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 20% từ năm 2021 cùng nhiều kế hoạch cải cách thuế khác. 

Tại Thái Lan, mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là 20% và nước này có chính sách miễn thuế trong 13 năm cho các doanh nghiệp mới tại Hành lang kinh tế phía Đông và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, chính phủ nước này hồi tháng 9 thông qua gói hỗ trợ giảm 50% thuế thêm 5 năm nữa đối với những dự án đầu tư từ 1 tỷ baht trở lên với điều kiện khoản đầu tư được giải ngân trước tháng 12-2021, đồng thời cam kết đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động.

Không những thế, ngày 29-10, Bộ Thương mại Thái Lan tuyên bố sẽ áp dụng 7 biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động của việc Mỹ đình chỉ quy chế ưu đãi miễn thuế (GSP) đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này, với lý do Bangkok không thực hiện các nỗ lực để “cho người lao động ở Thái Lan có quyền lợi như người lao động quốc tế”. Ưu tiên hàng đầu là tăng xuất khẩu vào Mỹ trong vòng 6 tháng tới trước khi việc dỡ bỏ GSP có hiệu lực. Trong thời gian này, khách hàng Mỹ dự kiến sẽ dự trữ nguồn cung những mặt hàng bị ảnh hưởng, nhất là thực phẩm chế biến, các sản phẩm làm từ cao su và thiết bị điện. 

Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cũng đang chủ động lên kế hoạch tìm kiếm các cuộc đàm phán với Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đình chỉ GSP. Việc đình chỉ có hiệu lực trong 6 tháng sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á thiệt hại ước tính khoảng 40 tỷ baht (tương đương 1,3 tỷ USD). Do đồng baht nội tệ đang tăng giá, nhiều doanh nghiệp Thái Lan sẽ được khuyến khích đầu tư vào các công nghệ nhằm tăng tính cạnh tranh hoặc đầu tư vào những nước mà Washington có hiệp định thương mại tự do nhằm tiếp cận thị trường Mỹ.

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư