Tin tức

Tài chính, viễn thông trước "ngưỡng cửa" EVFTA

25/10/2019    207

Theo khuyến cáo của Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI), Liên minh châu Âu (EU) là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính, viễn thông trên thế giới, vì vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai của hai ngành này cũng như cả nền kinh tế Việt Nam.    

Là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và có quy mô lớn nhất mà Việt Nam từng đàm phán ký kết cho tới thời điểm hiện tại, EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội phát triển đặc biệt có ý nghĩa cho nhiều ngành và cả nền kinh tế Việt Nam, trong đó có dịch vụ tài chính, viễn thông.

Song hành thách thức, cơ hội

Các dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) là nhóm dịch vụ có sự phát triển mạnh mẽ cả về thị trường, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Song, đây cũng là nhóm dịch vụ nhạy cảm (đặc biệt là nhóm dịch vụ ngân hàng), gắn liền với sự ổn định của nền tài chính và kinh tế quốc dân, tác động trực tiếp, tức thời tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế khác. Do đó, các dịch vụ tài chính không chỉ chịu sự kiểm soát chặt chẽ về chính sách tiền tệ, tài chính vĩ mô mà còn là nhóm có mức độ mở cửa rất dè dặt.

Tại Hội thảo “Ngành tài chính, viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định EVFTA” ngày 23/10, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập đánh giá, trong EVFTA, so với nhiều lĩnh vực dịch vụ khác, dịch vụ tài chính có mức mở cửa thị trường hạn chế nhiều hơn cả về phạm vi hoạt động lẫn mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài; và chỉ mở rộng hơn WTO ở một số ít các khía cạnh. Mặc dù vậy, theo khuyến cáo, EU là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính trên thế giới, vì vậy, EVFTA được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai của các dịch vụ tài chính cũng như cả nền kinh tế Việt Nam.

Trong đó, một mặt EVFTA mở ra các cơ hội kinh doanh và bảo hộ có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư EU trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ở thị trường đầy tiềm năng Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Hiệp định này cũng đặt các doanh nghiệp tài chính Việt Nam trước một tương lai cạnh tranh gay gắt, phức tạp hơn từ các đối thủ EU. Đây là thách thức trước mắt nhưng đồng thời cũng có thể là sức ép hợp lý để ngành và doanh nghiệp tài chính Việt Nam cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Đánh giá tổng thể, Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, cạnh tranh trên thị trường dịch vụ tài chính sẽ giúp người tiêu dùng, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế được hưởng lợi, với khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính có chất lượng cao hơn, chi phí hợp lý hơn. Đặc biệt, với tính chất là nhóm dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, là bệ đỡ tài chính cho phần lớn các hoạt động kinh tế, mở cửa và tăng cường cạnh tranh trên thị trường các dịch vụ tài chính; là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí vốn, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình và của cả nền kinh tế.

Đối với dịch vụ viễn thông, theo đánh giá, là nhóm dịch vụ có sự phát triển mạnh mẽ cả về thị trường, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế, các dịch vụ viễn thông được xem là một trong những ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn. Với đặc thù gắn với hạ tầng thông tin, an ninh mạng, không gian mạng, các dịch vụ viễn thông được xếp vào nhóm dịch vụ nhạy cảm. Vì vậy, các cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ này luôn ở mức dè dặt và thận trọng.

Trong EVFTA, dịch vụ viễn thông có mức mở cửa thị trường hạn chế hơn cả về phạm vi hoạt động lẫn mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, so với cam kết của Việt Nam trong WTO, EVFTA đã có mức độ mở cửa mạnh hơn. “EU là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ viễn thông trên thế giới, vì vậy, EVFTA được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai của thị trường viễn thông nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung”- bà Trang cho hay.

Theo phân tích, EVFTA mở ra các cơ hội kinh doanh, bảo hộ cho các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư EU trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông ở thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. Tuy vậy, Hiệp định này cũng đặt các doanh nghiệp trong nước trước một tương lai cạnh tranh gay gắt, phức tạp hơn từ các đối thủ đến từ EU. Đây là thách thức trực diện, nhưng cũng có thể là sức ép để ngành và doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tiếp tục cải cách, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, cạnh tranh trên thị trường viễn thông sẽ giúp người tiêu dùng, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế được hưởng lợi, với khả năng tiếp cận các dịch vụ viễn thông đa dạng hơn, chi phí hợp lý hơn.

Gia tăng chất lượng, an toàn, bảo mật của dịch vụ

Dự báo, sau 5 năm EVFTA có hiệu lực, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, lĩnh vực viễn thông sẽ có đột phá, nhất là dịch vụ viễn thông cơ bản không có hạ tầng mạng, còn đối với nhóm dịch vụ tài chính như ngân hàng thay đổi không lớn. “Tài chính, viễn thông là hai ngành đặc biệt, một mặt mở cửa sẽ thúc đẩy cạnh tranh, kéo theo là sự phát triển của hoạt động sản xuất kinh doanh khác sử dụng hai dịch vụ này. Tuy nhiên vì là hai ngành tương đối nhạy cảm nên chúng ta thấy mức cam kết không cao so với hiện trạng, nhưng thay đổi là có”- bà Trang nói.

Ngoài ra, theo bà Trang, bên cạnh mở cửa, còn là cam kết về quy tắc, cơ chế quản lý đối với hai lĩnh vực này, cũng như đảm bảo cạnh tranh, giúp ổn định thị trường, là động lực thúc đẩy thị trường thiết yếu này phát triển, mang tới những tác động tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, bài toán đặt ra hiện nay, đó là doanh nghiệp phải nhận diện và đáp ứng được sự thay đổi nhu cầu của người sử dụng dịch vụ, công nghệ để phát triển. “Đặc biệt, mối quan tâm lớn nhất chính là bảo mật, an toàn thông tin của dịch vụ, nhất là sau khi chúng ta mở cửa hoàn toàn đối với dịch vụ viễn thông, vì vậy, đây sẽ là vấn đề đặt ra cho tất cả doanh nghiệp”- bà Trang khuyến nghị.

Đồng quan điểm, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định, thời gian qua, thị trường viễn thông và internet Việt Nam có mức độ cạnh tranh rất lớn, giá dịch vụ giảm. Khi EVFTA có hiệu lực, các nhà đầu tư EU sẽ tập trung quan tâm tới nội dung số, chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đây mới là thách thức với doanh nghiệp trong nước.

Mặt khác, theo ông Bình, trên thực tế, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang có sự dịch chuyển phù hợp khi chú trọng chuyển đổi số, gia tăng hàm lượng công nghệ thông tin vào phục vụ thị trường. Cùng với đó, rào cản về giấy phép kinh doanh dịch vụ đã thông thoáng nhưng hiện để cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài doanh nghiệp trong nước phải quan tâm, chú trọng nhiều hơn tới vấn đề chất lượng, an toàn, an ninh, bảo mật đối với dịch vụ viễn thông để thu hút, giữ chân khách hàng.

Nguồn: Báo Công Thương