Tin tức

Trung Quốc cẩn trọng về tiến triển đàm phán với Mỹ

14/10/2019    111

Dù ghi nhận nhiều tiến triển trong các cuộc thảo luận thương mại Mỹ-Trung mới đây tại Washington, truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo sẽ còn nhiều bất ổn trong các cuộc đàm phán phía trước

Hôm 12-10, Tân Hoa xã (Trung Quốc) đăng bản tin cho biết tại vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 13 diễn ra trong hai ngày 10 và 11-10, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có các cuộc thảo luận “thẳng thắn, hiệu quả và mang tính xây dựng” với Đại điện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin.

Bản tin nói rằng hai bên đã đạt được “tiến triển quan trọng” về các vấn đề như nông nghiệp, bảo vệ tài sản trí tuệ, tỷ giá hối đoái, các dịch vụ tài chính, mở rộng hợp tác thương mại và chuyển giao công nghệ. Hai bên cũng “thảo luận những bước chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tiếp theo đồng thời nhất trí các nỗ lực hướng đến một thỏa thuận thương mại”.

Song nội dung của bản tin này không đề cập đến cụm từ “thỏa thuận thương mại giai đoạn một” giữa Mỹ và Trung Quốc như thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua.

Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng hôm 11-10, ông Trump nói rằng theo thỏa thuận này, Trung Quốc đồng ý mua thêm 50 tỉ đô la hàng hóa nông nghiệp Mỹ, trong khi đó phía Mỹ đồng ý hủy kế hoạch tăng thuế từ 25 lên 30% nhằm vào 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-10 tới.

Thậm chí, ông Trump còn khẳng định nội dung chi tiết của thỏa thuận giai đoạn một sẽ cần 3-5 tuần để chuẩn bị và ngay sau khi thỏa thuận này được ký kết, hai nước sẽ bước ngay vào đàm phán thỏa thuận giai đoạn hai.

Ông còn cho hay có khả năng ông và Chủ tịch Tập Cận Bình ký kết thỏa thuận giai đoạn hai tại hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Chile vào tháng sau.

Trái ngược với phát biểu lạc quan của ông Trump, tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bày tỏ lập trường thận trọng trong bài bình luận về vòng đàm phán Mỹ-Trung. Bài viết cho biết Bắc Kinh đã bảo vệ các lợi ích cốt lõi và sẽ không bao giờ đổi chác các nguyên tắc của nước này.

“Mọi người tin rằng chỉ bằng cách dỡ hết các biện pháp áp thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc để tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến thương mại thực sự, đồng thời tiến hành các bước đi mang tính xây dựng để đạt được cân bằng thương mại và tìm kiếm ước số chung tối đa về các lợi ích chung thì các vấn đề thương mại và kinh tế giữa hai nước mới có thể giải quyết”, bài bình luận có đoạn.

Bài bình luận nhấn mạnh: “Dĩ nhiên, kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có thể chung bước cùng Trung Quốc và tạo ra các điều kiện đầy đủ, cần thiết để tiến lên phía trước hay không”.

Trong một bài bình luận khác, Tân Hoa xã lưu ý quan hệ Mỹ-Trung trở nên phức tạp hơn và “một số người muốn chính trị hóa các vấn đề thương mại và kinh tế. Tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề mà hai bên có thể chấp nhận có thể là một quá trình dài”.

Taoran Notes, tài khoản trên mạng xã hội WeChat của tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) thậm chí còn bày tỏ thái độ thận trọng hơn. Bài viết đăng trên tài khoản này hôm 12-10 nói rằng, trong khi các nhà đàm phán nỗ lực để đạt được tiến triển, họ không nên “quá lạc quan” về triển vọng các cuộc đàm phán trong tương lai.

Bài viết nhận định về cơ bản, các xung đột thương mại và kinh tế giữa Bắc Kinh và Washington không cải thiện vì Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ các đòn thuế đang áp vào hàng hóa Trung Quốc và thuế đáp trả của Trung Quốc vẫn được giữ nguyên.

Bài viết nói rằng có một phe trong đội ngũ cố vấn thương mại Mỹ dường như muốn duy trì áp lực tối đa với Trung Quốc.

“Vừa đánh vừa đàm có thể trở thành chuẩn mực và chúng ta phải thích nghi với chuẩn mực này càng sớm càng tốt”, tài khoản Taoran Notes viết.

Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tạp chí Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), viết trên Twitter: “Các bản tin chính thức không nhắc gì đến việc Tổng thống Trump hy vọng ký kết thỏa thuận thương mại vào tháng sau. Điều này cho thấy Bắc Kinh lo ngại về tình trạng không chắc chắn và không muốn nâng cao kỳ vọng của công chúng”.

Ông cho rằng hiện nay, người dân Trung Quốc kỳ vọng rất thấp về đột phá thực sự trong đàm phán Mỹ-Trung và không tin chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tôn trọng các cam kết.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online