Tin tức

Cần có chuẩn chung cho hàng hóa ASEAN

09/09/2019    191

Ý tưởng "Hàng ASEAN đạt chuẩn" nếu được tổ chức thực hiện sẽ là đòn bẩy để hàng hóa từng nước thâm nhập sâu vào thị trường chung và vươn ra thế giới

Sáng kiến về "Chuẩn chung cho hàng ASEAN" từng được Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC TP HCM) lên kế hoạch trình UBND TP HCM vào đầu năm 2016.

Logo chung cho hàng ASEAN chất lượng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thạc sĩ ngoại thương Hồ Xuân Lâm, nguyên Phó Giám đốc ITPC TP HCM, cho biết đầu năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành chủ tịch luân phiên của ASEAN nên đây là cơ hội để trở lại vấn đề này nhằm góp phần xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và thúc đẩy kinh tế các nước AEC, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Hồ Xuân Lâm, chính phủ các nước ASEAN có thể ngồi lại thống nhất một số chuẩn chung cho hàng hóa ASEAN kèm logo nhận diện. Doanh nghiệp (DN) nào đạt chuẩn này sẽ được dán logo chứng nhận "Hàng ASEAN đạt chuẩn" trên bao bì sản phẩm bên cạnh tên nhãn hiệu riêng của DN. Logo này sẽ là "giấy thông hành" cho hàng hóa được phép lưu thông tự do trên thị trường nội khối ASEAN mà không phải qua các khâu kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu. Song song đó, giấy chứng nhận sẽ góp phần nâng cao uy tín về thương hiệu cho sản phẩm của các DN để xuất khẩu đi các thị trường khác trên thế giới.

"Có thể đề xuất áp dụng thí điểm ở các thành phố lớn trong khu vực như TP HCM, Bangkok, Kuala Lumpur... trong thời gian đầu và dần nhân rộng ra toàn bộ các nước ASEAN" - ông Hồ Xuân Lâm nêu ý kiến và nói thêm có thể xây dựng bộ tiêu chí dựa theo các chuẩn của những thị trường tiên tiến như Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc - nơi mà hàng hóa của các nước ASEAN đã xuất khẩu thành công trong thời gian qua. Có như vậy, hàng hóa trong khu vực mang chuẩn chung sẽ phát huy được sức mạnh của thị trường hơn 600 triệu dân và sẽ "nặng ký" hơn khi đi quảng bá, xúc tiến thương mại ra thị trường quốc tế.

Chìa khóa "mở cửa" thị trường quốc tế

Theo các chuyên gia kinh tế, AEC hình thành không phải để các nước cạnh tranh lẫn nhau mà nhằm hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Cộng đồng kinh tế ASEAN có nhiều đặc điểm chung và tương đồng về hàng hóa, thương hiệu lẫn tiêu chuẩn chất lượng. Vì vậy, một nhãn chung về "Hàng ASEAN đạt chuẩn" là điều cần thiết và nên thực hiện. Việc có thêm nhãn hiệu chung là sự bảo chứng của cả cộng đồng ASEAN về uy tín, chất lượng cho sản phẩm, đồng thời là đòn bẩy kinh tế giúp nâng cao uy tín của Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, thế mạnh của ASEAN. Cũng thông qua chuẩn chung, các DN thuộc nhiều quốc gia sẽ có thêm nền tảng để tăng liên kết, hình thành các tập đoàn đa quốc gia vận hành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ sản xuất, chế biến, phân phối, bán hàng…

Tuy nhiên, để biến ý tưởng thành hiện thực và đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi phải có sự đồng lòng của tất cả thành viên ASEAN, phải xây dựng được bộ quy chuẩn rõ ràng, có sự thừa nhận của một tổ chức kiểm định về chất lượng, uy tín quốc tế và có lộ trình xây dựng, thực hiện để nuôi dưỡng thương hiệu của quy chuẩn thì mới khai thác được những giá trị từ quy chuẩn này mang lại.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC TP HCM, cho rằng nếu chuẩn chung này được hình thành sẽ là bước đột phá cho hàng hóa trong nước lẫn khu vực. Qua đó, hàng hóa Việt Nam đạt chuẩn khu vực cũng sẽ được tôn vinh và nâng cao uy tín thương hiệu; xuất khẩu sang các nước ASEAN sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Ông Phạm Thiết Hòa thông tin thêm, từ khi AEC hình thành, xuất khẩu của các DN Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng sang các nước AEC đã tăng trưởng tốt. Đến nay, hàng Việt Nam đã trụ được tại thị trường Myanmar; kim ngạch xuất khẩu sang Lào, Campuchia cũng tăng mạnh. ITPC TP HCM đang đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ DN đạt chứng nhận Hala để khai thác các thị trường đạo Hồi như Indonesia, Malaysia, Brunei. "Nếu có chuẩn chung ASEAN thì khả năng khai thác thị trường sẽ tốt hơn nữa bởi chỉ cần thấy logo chung thì người tiêu dùng các nước ASEAN sẽ yên tâm đó là hàng chất lượng, an toàn đã được cả khối chứng nhận. Nói cách khác, chuẩn chung này sẽ xóa bỏ ranh giới địa lý giữa hàng hóa các nước mà chỉ còn 1 cộng đồng: hàng Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… cùng đáp ứng chung 1 tiêu chuẩn và cùng có xuất xứ chung là ASEAN để đi ra thị trường thế giới" - ông Phạm Thiết Hòa diễn giải. 

Cần rất nhiều thời gian, nỗ lực

Theo các DN, mục tiêu lớn nhất của DN là lợi nhuận nên DN nào cũng muốn sản phẩm, dịch vụ mình được tiêu thụ tốt nhất. Nếu "Chuẩn chung hàng ASEAN" ra đời có thể bảo đảm cho các bên cùng có lợi và gia tăng sức cạnh tranh cho DN từng quốc gia thì DN sẽ hết lòng ủng hộ, tuân thủ. Cũng cho rằng chuẩn chung cho hàng hóa cả khu vực là rất tốt nhưng ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, dự báo những người thực hiện sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày nay rất thực tế, phải "mắt thấy tai nghe" mới đặt tín nhiệm lên DN hay sản phẩm.

Xúc tiến chuẩn chung về thực phẩm

Cách đây 3 năm, Bộ trưởng Y tế Malaysia Subramaniam Sathasivam đã đề xuất một chứng chỉ an toàn thực phẩm cho toàn cộng đồng ASEAN, giúp chuẩn hóa chất lượng thực phẩm sản xuất và cung ứng từ các nước trong khu vực cho thị trường thế giới. Để đạt được chứng chỉ của ASEAN, các sản phẩm trong khu vực phải đáp ứng được những tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm của từng quốc gia trong khối và tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường chủ lực. Malaysia đã khởi động đề xuất trên với việc khánh thành một trung tâm thẩm định trung lập về an toàn vệ sinh thực phẩm cho cả ASEAN tại Kuala Lumpur.

Trong lĩnh vực thực phẩm, theo tờ FoodNavigator-Asia, các công ty chế biến thực phẩm và chuyên gia hàn lâm đã cùng nhau làm việc nhằm chuẩn hóa hệ thống chất lượng cho ngành chế biến thực phẩm trong khu vực. Tờ báo này dẫn lời bà Anadi Nitithamyong, trợ lý giáo sư kiêm Phó Giám đốc Phòng Đào tạo tại Viện Dinh dưỡng thuộc Đại học Mahidol University, có 4 hoạt động nghiên cứu chính trong công tác hài hòa tiêu chuẩn thực phẩm tại ASEAN, được dẫn dắt bởi 4 quốc gia tương ứng, bao gồm: Đạt được sự minh bạch trong hệ thống quy định (Thái Lan), xác định các lĩnh vực cụ thể cho thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (Indonesia), nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (Philippines) và nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (Malaysia). Tuy nhiên, mặc cho những mục tiêu đã đề ra, chưa có hệ thống quy định vững chắc nào thực sự được áp dụng bởi toàn thể ASEAN.

Nguồn: Báo Người lao động