Tin tức

Phát huy vai trò địa phương trong việc thực thi EVFTA

30/08/2019    470

Việc chuẩn bị cho tiến trình sắp tới khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được phê chuẩn là rất quan trọng, đòi hỏi tất cả các bên liên quan, không chỉ Chính phủ, các Bộ, ngành mà còn các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, người dân cũng phải được cung cấp thông tin, tìm hiểu, tiếp cận đến tất cả các nội dung quan trọng của Hiệp định.   

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị “Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) – Các cam kết quan trọng và những điều cần lưu ý”, do Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 28/8, tại TP Hạ Long.

Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện phổ biến và lấy ý kiến rộng rãi về Hiệp định EVFTA trước khi Hiệp định được Chính phủ làm các thủ tục phê chuẩn theo luật định. Hội nghị nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và thành phố Hải Phòng hiểu về tầm quan trọng và sự tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đây cũng là cơ hội để các hiệp hội, ngành hàng địa phương thể hiện góc nhìn của mình, xác định những thách thức, trở ngại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định EVFTA mang lại, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả, đồng thời định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA có phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa mà còn nhiều thách thức quan trọng khác như sở hữu trí tuệ, nguyên tắc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, quy tắc ứng xử… Theo đó, việc chuẩn bị cho tiến trình sắp tới, khi EVFTA được phê chuẩn là công việc quan trọng, đòi hỏi tất cả các bên liên quan, từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, người dân đều phải nắm được thông tin, hiểu biết, tiêp cận đến tất cả các nội dung quan trọng của Hiệp định.

“Việc thực thi các FTA cũng chính là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách, bởi những FTA mà Việt Nam đã ký kết đều đòi hỏi, chứa đựng những cam kết rất lớn từ phía Việt Nam trong việc tiếp tục thực hiện cải cách trong nhiều lĩnh vực” – Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, trong cả ngắn hạn và dài hạn, EVFTA cùng với 11 FTA khác mà Việt Nam đã ký kết, cũng như một số hiệp định đang tiếp tục đàm phán sẽ trở thành công cụ để Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có cơ hội thâm gia vào chuỗi giá trị, đặc biệt là những chuỗi giá trị mới sẽ xuất hiện.

Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất gia vị phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu đi 20 nước trên thế giới, ông Nguyễn Văn Xiển – Giám đốc Công ty Thực phẩm Bình Minh cho biết, chúng tôi rất mong chờ vào việc thực thi Hiệp định EVFTA bởi đây là cơ hội rất lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường khó tính này. Hiện tại các mặt hàng của chúng tôi khi xuất khẩu sang thị trường EU phải chịu mức thuế 10% nhưng khi EVFTA có hiệu lực sẽ ngay lập tức giảm thuế về 0. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của công ty sẽ tăng gấp đôi và công ty cũng sẽ tiến tới mở rộng nhà máy sản xuất để đáp ứng nhu cầu đó. “Điều chúng tôi mong muốn là Nhà nước sẽ quan tâm hơn đến đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo sân chơi thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam gia nhập thị trường EU” – ông Nguyễn Văn Xiển chia sẻ.

Chia sẻ về công tác xúc tiến thương mại để tận dụng các lợi ích từ EVFTA, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ưu đãi thuế quan ở Hiệp định này mang lại lợi ích to lớn cho các sản phẩm Việt như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử... Đặc biệt, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuật... Đây đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EU.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, EVFTA sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng có cơ hội được tiếp cận những thị trường công nghệ thiết bị dây chuyền kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa.

Được biết, thời gian qua, Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Một chuỗi công trình, dự án có tính động lực cao đã hoàn thành, khánh thành, đưa vào sử dụng; đồng thời, năm 2019 Tỉnh đã khởi công nhiều công trình, dự án quan trọng, động lực như: Dự án tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với chiều dài 80,2km; dự án đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả (dài 18,7km); dự án Bệnh viện Lão khoa Quảng Ninh; dự án Trường Đại học FLC Hạ Long (ngày 25/8/2019).

Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư trên địa bàn đã và đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai như: Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân 2, Dự án là cải tạo, chỉnh trang đoạn từ cầu Bài Thơ đến điểm đấu nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, các dự án (về giao thông, trường học, bệnh viện thông minh) thuộc Đề án thành phố thông minh và các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái, các Khu công nghiệp (Đầm Nhà Mạc, Sông Khoai, Việt Hưng giai đoạn 2...); đồng thời đang tích cực hoàn thiện thủ tục để đầu tư Dự án Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục và một số dự án quan trọng khác.

Với việc thực thi EVFTA và IPA, môi trường đầu tư mở hơn sẽ tạo thuận lợi, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ các nước EU vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là đối với tỉnh Quảng Ninh đang có nhu cầu rất lớn thu hút các dòng vốn đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đang được triển khai xây dựng – ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Công Thương