Tin tức

Thông tư 12/2019/TT-BCT: Hiện thực hóa cơ hội từ ACFTA

30/08/2019    292

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 12/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc (ACFTA) với nhiều điểm mới so với trước đây. Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/9/2019.

Cụ thể, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu được sản xuất từ nguyên liệu có xuất xứ.

Ngoài tiêu chí "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC), quy tắc chung được áp dụng thêm tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số (CTH); quy định về De Minimis (tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa); nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế được cho nhau.

Về thời hạn trả lời, kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa, trong trường hợp cơ quan, tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của nước xuất khẩu không trả lời trong thời hạn 90 ngày sau ngày nhận được thư đề nghị xác minh của cơ quan hải quan nước nhập khẩu, cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước xuất khẩu có thể gửi văn bản đề nghị gia hạn thêm 90 ngày.

Bên cạnh quy tắc xuất xứ chung, quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) được xây dựng trên Phiên bản HS năm 2017, bổ sung tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với nhiều dòng hàng.

Theo Bộ Công Thương, nhờ nỗ lực đàm phán thương mại, đã có nhiều thỏa thuận, cam kết giữa Việt Nam - Trung Quốc được xây dựng để tạo khuôn khổ và điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai bên. Tuy nhiên, việc tận dụng lợi ích từ các thỏa thuận này còn hạn chế, hiện chỉ có khoảng 1/3 kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc được hưởng mức thuế ưu đãi nhờ tận dụng được quy tắc xuất xứ. Do đó, việc ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BCT được kỳ vọng sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định ACFTA, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do thị trường này siết chặt nhập khẩu theo hướng ưu tiên chính ngạch, hạn chế nhập khẩu theo cửa khẩu phụ, lối mở.

Cùng với nỗ lực tạo thuận lợi thương mại thông qua những quy định rõ ràng hơn về quy tắc xuất xứ, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã khuyến cáo doanh nghiệp nên tìm hiểu quy định xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hóa để có kế hoạch hợp tác, giao dịch, nhất là thực phẩm, nông sản...

Hiện nay, thị trường Trung Quốc đang tăng cường, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt có nhu cầu lớn đối với sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh. Tuy nhiên, thị trường này đang có xu hướng chuyển mạnh từ nhập khẩu tiểu ngạch sang nhập khẩu chính ngạch. Vì vậy, chứng minh xuất xứ hàng hóa là một trong những tiêu chí quan trọng để hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định.

Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước muốn tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc nắm rõ quy định thị trường, xuất xứ hàng hóa, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, cập nhật thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu; tăng cường tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường do cơ quan, tổ chức, hiệp hội tổ chức; cán bộ xúc tiến thị trường phải am hiểu tiếng Trung Quốc để thuận lợi trong công tác, giao dịch với các đối tác…

Nguồn: Báo Công Thương