Tin tức

Mong đợi EVFTA có hiệu lực để tạo lực đẩy cho thương mại, đầu tư Việt Nam – Hà Lan

23/08/2019    114

Đó là chia sẻ của ông Carel Richter - Tổng lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại TP. Hồ Chí Minh với báo Công Thương tại buổi kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan vào chiều 21/8, tại TP. Đà Nẵng.

Theo ông Carel Richter, Việt Nam và Hà Lan đã có 46 năm thiết lập mối quan hệ hữu nghị hợp tác và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Hiện cả 2 quốc gia đang xây dựng mối quan hệ Đối tác toàn diện, đưa hợp tác 2 nước phát triển sâu rộng hơn.

Trong mối quan hệ với Việt Nam, Hà Lan hiện là nhà đầu tư Châu Âu lớn nhất với 318 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 9,3 tỷ USD (tính đến hết năm 2018). Trên thực tế, rất nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam của các tập đoàn lớn đến từ Hà Lan hoạt động rất hiệu quả như Heineken, Unilever, Royal Dutch Shell, Foremost, Akzo Nobel Coating, Philips ...

Về thương mại, Hà Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hà Lan đạt tới 7,84 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan đạt 7,08 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày da, máy móc thiết bị phụ tùng, thủy hải sản…; và nhập khẩu từ Hà Lan máy móc, phụ tùng, nông sản… với tổng giá trị nhập khẩu hơn 760 triệu USD.

“Chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng thường xuyên tổ chức những buổi kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan để tạo ra nhiều hơn cơ hội hợp tác, đầu tư và cùng phát triển giữa hai quốc gia nói chung, doanh nghiệp 2 nước nói riêng. Doanh nghiệp Hà Lan nhìn thấy cơ hội hợp tác giữa hai bên là rất lớn”, ông Carel Richter nói và cho biết buổi kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan tại Đà Nẵng cũng là một trong số đó.

Tổng lãnh sự Hà Lan Carel Richter cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác, đầu tư và giao thương Việt Nam – Hà Lan mạnh mẽ hơn. Trong đó, là thành viên của EU, Hà Lan được hưởng những ưu đãi từ hiệp định này mang lại mà cụ thể là rộng cửa hơn đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam có triển vọng như các nông sản, sữa và các sản phẩm từ sữa, nguyên phụ liệu dệt may… người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao với giá cạnh tranh hơn. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan có cơ hội bứt phá. Hiện Việt Nam đang xuất siêu sang Hà Lan 6,3 tỷ USD. Với việc 100% dòng thuế nhập khẩu vào EU, trong đó có Hà Lan, được gỡ bỏ hoàn toàn trong thời gian tối đa 7 năm, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng độ “phủ sóng” trên kệ hàng tại EU nói chung, Hà Lan nói riêng. “EVFTA có hiệu lực, tôi kỳ vọng các mặt hàng của Việt Nam như thủy sản, nông sản của Việt Nam sẽ có mặt nhiều hơn tại thị trường Châu Âu và Hà Lan. Vì thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm, may mặc đến từ Việt Nam rất được người Châu Âu ưa chuộng. Tất nhiên, đi kèm với ưu đãi, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật ví dụ như tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ…”, ông Carel Richter nói.

Bên cạnh triển vọng thúc đẩy xuất nhập khẩu, ông Carel Richter còn nhìn thấy cơ hội thúc đẩy đầu tư rất lớn từ Hà Lan đến Việt Nam. “EVFTA sẽ tạo ra nhiều dự án mới của Hà Lan tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thêm nhiều cơ hội đầu tư, thêm nhiều công ty và thêm nhiều việc làm”, ông Carel Richter chia sẻ.

Nguồn: Báo Công Thương