Tin tức

'Tự lực cánh sinh' sản xuất linh kiện điện tử, Hàn Quốc chắc thắng mấy phần?

16/08/2019    593

Kế hoạch tự sản xuất linh kiện điện tử của Hàn Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nhật Bản bước đầu có thể đúng đắn, nhưng về lâu dài, nó có thể trở thành một sai lầm chiến lược.

Hàn Quốc đã tuyên bố vào đầu tháng 8 rằng, họ sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Nhật Bản về việc nhập khẩu nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao. Động thái này được xem như một hành động "trả đũa" với quyết định của Nhật Bản khi nước này loại Hàn Quốc khỏi danh sách một đối tác thương mại đáng tin cậy.

Seoul có kế hoạch cung cấp 7,8 nghìn tỷ Won (khoảng 6,4 tỷ USD) trong 7 năm để phát triển sản xuất trong nước nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản.

Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc cho biết, nước này muốn biến cuộc khủng hoảng hiện nay với Nhật Bản thành cơ hội cho ngành sản xuất thiết bị và linh kiện. Kế hoạch của Seoul là có thể tự cung ứng 100 loại linh kiện và vật liệu chủ đạo để sản xuất chip, pin và các sản phẩm khác.

Kế hoạch chi tiết của chính phủ Hàn Quốc là đảm bảo nguồn cung cấp ổn định cho 20 sản phẩm quan trọng từ các nguồn cung khác ngoài Nhật Bản trong vòng một năm và đặt mục tiêu năm năm cho 80 loại linh kiện còn lại. 20 sản phẩm ưu tiên sử dụng hydro florua, polyimide và fluoride, cũng là ba nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình, hiện đang chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Tokyo.

Ngoài việc đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ba nguyên liệu này, Tokyo cũng đã loại Seoul khỏi "danh sách trắng" gồm 27 quốc gia được nhận quy chế thương mại ưu đãi. Động thái này bị coi như một "cú đánh" thẳng vào sự phát triển của ngành công nghệ Hàn Quốc. Nếu Nhật Bản ngừng cung cấp đầu vào các nguyên liệu quan trọng cho Hàn Quốc, ngành công nghiệp chip của nước này sẽ bị đình trệ. Chất bán dẫn chiếm 20% xuất khẩu của Hàn Quốc, do đó, bất kỳ sự gián đoạn nghiêm trọng nào trong sản xuất đều có thể cản trở sự tăng trưởng.

Việc Hàn Quốc "tự lực cánh sinh" là điều tất nhiên trong bối cảnh căng thẳng thương mại không chắc chắn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng theo trang Nikkei Asian Review, những nỗ lực tự cung tự cấp của Seoul có thể là một hướng đi sai trong trung và dài hạn.

Hiện tại, Nhật Bản kiểm soát 70% đến 90% thị trường toàn cầu về hydro florua và hai nguyên liệu quan trọng khác. Khi nỗ lực tìm nguồn cung thay thế Nhật Bản, các nhà sản xuất Hàn Quốc sẽ phải bỏ ra khối lượng lớn thời gian và tiền bạc.

Mặt khác, việc đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao có thể mang đến nhiều rủi ro cho Hàn Quốc, điển hình như việc khai thác hết nguồn tài nguyên quý của đất nước. Điều đó dẫn đến việc các linh kiện điện tử có thể sẽ được sử dụng như một "con bài" thương lượng trong các cuộc đàm phán với Nhật Bản.

Cùng với đó, các nhà sản xuất Hàn Quốc cũng đối mặt với sự thay đổi về công nghệ. Seoul có nguy cơ phải chi hàng tỷ USD để đầu tư cho một loại công nghệ mà nó có thể sớm trở nên lỗi thời.

Các nhà sản xuất vật liệu và phụ tùng Nhật Bản bắt kịp với những thay đổi này bằng cách chi một số tiền khổng lồ để phát triển sản phẩm mới. Trong khi đó, các nhà sản xuất chất bán dẫn phương Tây đã sớm từ bỏ "cuộc chơi" sản xuất linh kiện điện tử, thay vào đó là tập trung vào các lĩnh vực như thiết kế chip. Hai công ty Mỹ thể hiện rõ nhất xu hướng này là Broadcom và Qualcomm. Broadcom chủ yếu thiết kế và phát triển chip cho thiết bị viễn thông, còn Qualcomm chuyên về chip cho điện thoại thông minh. Cả hai đều thuê sản xuất ở ngoài, thay vì tự vận hành các nhà máy của riêng họ.

Ngược lại, các nhà sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản đã thất bại trong việc thiết kế và phát triển chip. Vì thế, họ đã từ chối vai trò là nhà cung cấp các mẫu thiết kế và phát triển chip cho một số nước phương Tây.

Điều đó đúng theo quy luật, bởi thương mại quốc tế cho phép các quốc gia chuyên về các sản phẩm mà họ có lợi thế so sánh. Một quốc gia không có sản phẩm cạnh tranh quốc tế, chắc chắn sẽ gặp bất lợi và có xu hướng thâm hụt thương mại. Như vậy, ngay cả khi Hàn Quốc cố gắng bắt kịp Nhật Bản khi "tự lực cánh sinh" sản xuất linh kiện điện tử cũng sẽ không có khả năng đạt được lợi thế cạnh tranh, trừ khi nước này phá giá sản phẩm.

Nói về kế hoạch của Hàn Quốc, nhiều chuyên gia công nghệ đầu ngành cho rằng, ngay cả khi Hàn Quốc phải đảm bảo sản xuất linh kiện điện tử trong nước thì cũng nên suy nghĩ lại xem có nên sản xuất tất cả 100 sản phẩm trong danh sách hiện có hay không. Kế hoạch này có thể khiến Hàn Quốc thoát khỏi tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, nó có thể trở thành một sai lầm chiến lược.

Nguồn: Báo Quốc tế