Tin tức

Thách thức đặt ra đối với Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới

12/08/2019    9534

Cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới ngày càng nhiều. Bên cạnh những thời cơ lớn, Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đặt ra từ các FTA thế hệ mới, cần phải thay đổi để tận dụng tốt cơ hội, hạn chế rủi ro… Bài viết này phân tích những thách thức cơ bản đặt ra đối với Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới, đề xuất một số giải pháp để tận dụng tốt cơ hội, hạn chế rủi ro trong môi trường cạnh tranh.

Những thách thức đặt ra đối với Việt Nam

Tham gia các FTA thế hệ mới, Việt Nam bước vào "sân chơi" lớn, song hành cùng những cơ hội, cũng có không ít khó khăn, thách thức mới đặt ra, trong đó có thách thức về rào cản thương mại và lao động. Cụ thể:

Thách thức từ các rào cản thương mại

Trong các FTA thế hệ mới, có nhiều thiết chế đặt ra đối với các nước tham gia, đòi hỏi Việt Nam phải thực thi. Các cam kết trong các FTA thế hệ mới chủ yếu đòi hỏi các nước thành viên phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung pháp luật nội địa trong những lĩnh vực liên quan cho phù hợp với cam kết chung, đồng thời phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ về năng lực mà cả về nguồn lực thực thi. Thực tế, khó khăn trong sửa đổi, điều chỉnh các thiết chế đang tồn tại theo các yêu cầu mới về thủ tục, trình tự trong các cam kết của các FTA thế hệ mới. Bên cạnh các cam kết mang tính truyền thống, còn có những cam kết mang tính quy tắc, có ý nghĩa ràng buộc cách hành xử chính sách của các bên là rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực liên quan tới thương mại, kinh doanh. Phần lớn các cam kết này đều phải thực hiện ngay khi FTA có hiệu lực hoặc trong một thời hạn ngắn sau đó. Ngoài ra, việc thiết lập cơ chế bảo đảm thực hiện đồng bộ các nghĩa vụ cụ thể theo cam kết trong các FTA thế hệ mới đối với Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn.

Sau 15 năm thi hành Luật Thương mại và thực tiễn trong quá trình hội nhập cho thấy, chính sách thương mại của Việt Nam đã xuất hiện nhiều bất cập, trở thành rào cản trong việc tham gia các FTA thế hệ mới. Các vấn đề vướng mắc nổi bật như: Thương nhân và hiện diện của thương nhân; Hoạt động thương mại hàng hóa và các hàng rào kỹ thuật.

Cụ thể: Theo Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam, khái niệm thương nhân không bao quát được nhiều hoạt động ở khu vực “phi chính thức” cũng nhằm mục đích sinh lợi nhưng hoạt động thường xuyên. Yêu cầu thương nhân phải “có đăng ký” kinh doanh cũng không hợp lý, bởi quy định này đang bỏ sót các chủ thể hoạt động thương mại nhưng không đăng ký. So sánh với khái niệm thương nhân của các nước khác như Pháp, Mỹ thìkhái niệm về thương nhân trong Luật Thương mại của Việt Nam đang nói về yếu tố hình thức nhiều hơn nội dung hoạt động và tôn chỉ của thương nhân.

Quy định về sự hiện diện của thương nhân tại Việt Nam được quy định ở Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng không còn phù hợp. Quy định này cho phép thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc dẫn chiếu quyền thành lập hiện diện thương mại sang điều ước quốc tế là không khả thi, bởi theo Luật Điều ước quốc tế, cam kết quốc tế lại không có giá trị áp dụng trực tiếp.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng có nhiều bất cập gây cản trở, cụ thể như: Quy định về thời điểm chuyển rủi ro (từ Điều 57 đến Điều 61 Luật Thương mại): Cho phép xác định thời điểm rủi ro được chuyển sang người mua trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên dưới góc độ thực tiễn thìquy định này chưa thực sự phù hợp. Vìrủi ro có thể phát sinh kể từ thời điểm hàng hóa không còn nằm trong tầm kiểm soát của người bán, tức là thời điểm hàng hóa được người bán giao cho người vận chuyển và rất có thể hàng hóa bị hư hỏng trước thời điểm ký kết hợp đồng. Ngoài ra, còn có quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa (Điều 62 Luật Thương mại): Quyền sở hữu hàng hóa được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao, có thể hiểu rằng khi hàng xuống cảng thìmặc nhiên coi là chuyển quyền sở hữu cho người mua hàng, đây là điều cực kỳ bất lợi cho bên mua và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Thông lệ quốc tế quy định chuyển quyền sở hữu cho người mua kể từ khi người này nhận được các chứng từ định đoạt về hàng hóa.

Đặc biệt là thực thi các Hiệp định CPTPP và EVFTA góp phần gỡ bỏ rào cản thuế quan giữa nước ta với các quốc gia thành viên EU và 10 nước cộng đồng kinh tế CPTPP, trong đó có những thị trường nhượng quyền trọng điểm như Canada, Australia, Nhật Bản. Tuy nhiên, Luật Thương mại 2005 hiện chưa đáp ứng với những thay đổi này, khi hiện nay hai khái niệm là “nhượng quyền thương mại” và “quyền thương mại” chưa được quy định đầy đủ và trong một vài trường hợp còn quy định không thống nhất giữa các văn bản.

Thách thức trong lĩnh vực lao động

Tham gia các FTA thế hệ mới sẽ mang lạị cho các DN Việt Nam những cơ hội mới để mở rộng thị trường, thu hút vốn đầu tư, cắt giảm thuế quan… tạo lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, kéo theo đó là những khó khăn, thách thức trong thực thi các quy định về lao động.

Tham gia các FTA thế hệ mới, các nước thành viên phải cam kết tuân theo những tiêu chuẩn, quy định về lao động và thừa nhận mối liên hệ giữa quyền của người lao động (NLĐ) với thương mại; quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể của NLĐ và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp... Hiện nay, lao động Việt Nam phải đối diện với không ít bất lợi do mở cửa thị trường, hàng hóa của các nước, đặc biệt là hàng tiêu dùng nhập khẩu với số lượng ngày càng lớn và đa dạng, với nhiều ưu thế về chất lượng, giá cả và tâm lý thích dùng hàng ngoại của người Việt, sẽ dễ bị hàng ngoại chiếm lĩnh thị trường nội địa, làm cho DN trong nước gặp khó khăn về mọi mặt, buộc phải thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, thu hẹp sản xuất, lao động bị mất việc làm…

Đến nay, cơ bản pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường… nhưng trên thực tế những chuẩn mực này đang bị vi phạm ở không ít DN. Điều này dẫn tới việc chúng ta sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu (0%) từ các nước thành viên nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo yêu cầu. Thực tế hiện nay, các vi phạm của DN về lao động vẫn diễn ra thường xuyên, ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; Thời gian làm việc, đặc biệt là vấn đề tăng ca quá mức tại các DN dệt may, trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn diễn ra. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nhiều DN chưa được thực hiện tốt; Trang thiết bị, công cụ bảo hộ an toàn còn thiếu, vi phạm về môi trường; các chế tài xử phạt đối với các DN vi phạm về lao động, môi trường của Nhà nước chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn.

Trên thực tế, người lao động hiện nay tìm được việc làm là rất khó khăn, tại nhiều DN, NLĐ có nhu cầu được làm thêm nhiều giờ, tăng thêm ca để tăng thu nhập. Một ngày làm thêm, sản phẩm được trả bằng 2 ngày làm việc bình thường, điều này dễ dẫn đến NLĐ bất chấp chính sức khỏe của mình, chỉ thấy lợi trước mắt mà chưa thấy hậu quả về sau. Mặt khác, do nhận thức về các quy định của pháp luật còn hạn chế, họ không biết hoặc không nắm đầy đủ các quyền của mình về lao động, không thể đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi cho mình. Tại nhiều DN, NLĐ mặc dù biết các quy định của pháp luật nhưng lại đồng ý thỏa thuận với người sử dụng lao động và tự nguyện làm thêm giờ vượt quá khả năng tái tạo sức lao động, để có thêm thu nhập và có nhiều cơ hội được làm việc tại DN…

Giải pháp vượt qua thách thức

Tham gia các FTA thế hệ mới có nghĩa là Việt Nam bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn. Tuy nhiên, để vượt qua được những thách thức về rào cản thương mại và lao động, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau:

Đối với các rào cản thương mại

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và kết trong các FTA thế hệ mới với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị. Đặc biệt, cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với điều kiện áp dụng hiện hành, cũng như chưa tương thích với các cam kết trong FTA thế hệ mới. Theo đó, Việt Nam cần nghiên cứu, rà soát kỹ các yêu cầu trong các FTA thế hệ mới, để thiết lập danh mục các vấn đề về mặt thiết chế cần được xử lý… Đặc biệt, cần rà soát sửa đổi, hoàn thiện Luật Thương mại cho phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết của các FTA thế hệ mới.

Thứ hai, cần thiết lập cơ chế chung, thống nhất như: Rà soát hệ thống pháp luật, để điều chỉnh đồng bộ pháp luật, kiểm soát tiến độ, hiệu quả điều chỉnh pháp luật theo cam kết… Cách thức vận hành của thiết chế này cũng cần được thiết kế phù hợp để đảm bảo khả năng chỉ đạo thống nhất việc thực thi trên thực tế.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin thông qua nhiều hình thức về các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia, đặc biệt là DN nhỏ và vừa; Tổ chức tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cộng đồng DN về các cam kết cụ thể có liên quan, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó thực thi các hiệp định FTA thế hệ mới đầy đủ, hiệu quả.

Thứ tư, hoàn thiện các chính sách đầu tư nhằm phát triển thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa; Tăng cường đầu tư và hoàn thiện các chính sách nhằm đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư.

Đối với các rào cản về lĩnh vực lao động

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại DN; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Thứ hai, DN cần thay đổi tư duy, buộc phải tuân thủ pháp luật để tránh bị điều tra, bị kiện, bị xử phạt, đầu tư nâng cao các yêu cầu về an toàn lao động, tiền lương, vệ sinh lao động, cùng với cơ chế giám sát và chế tài khác, những chi phí để xây dựng, phát triển văn hóa DN để được tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu khu vực và quốc tế. DN phải thực sự nhận thức được người lao động là “tài sản, nguồn lực vô giá”, tự giác thực hiện đúng các quy định, bảo đảm cuộc sống của NLĐ để họ tin tưởng, nỗ lực cống hiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có thu nhập ổn định, gắn bó với doanh nghiệp, giúp DN phát triển bền vững.

Thứ ba, nâng cao vai trò của tổ chức đoàn thể trong lĩnh vực lao động và trong đời sống xã hội; Tạo điều kiện để tổ chức đại diện người sử dụng lao động độc lập thực sự, không bị phụ thuộc vào Nhà nước, hoạt động hiệu quả để cộng đồng DN phát triển bền vững; Tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn ngành cần phải hoạt động độc lập có hiệu quả, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động; thực hiện được chức năng bảo vệ và đại diện quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ; quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp; giáo dục, động viên NLĐ hiểu và chấp hành đúng quy định của pháp luật; tự nâng cao trình độ về mọi mặt, có đủ khả năng tự bảo vệ mình trước những vi phạm của NSDLĐ; ngăn chặn kịp thời những vi phạm của doanh nghiệp.

Nguồn: Tạp chí Tài Chính