Tin tức

Hướng dẫn mới về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP

12/08/2019    408

Thực thi các quy định của Hiệp định Đối tác tiến bộ, toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan vừa ban hành Văn bản số 4993/TCHQ-GSQL ngày 05/8/2019 hướng dẫn việc khai báo và tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định.

Theo đó, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể các nội dung: Về khai báo chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan, người khai hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính; Về kiểm tra thông tin trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cơ quan hải quan căn cứ quy định thông tin tối thiểu (Phụ lục 3-B Chương 3), các quy tắc xuất xứ liên quan (Chương 3) của Hiệp định CPTPP; Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 của Chính phủ; Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2019 của Bộ Tài chính để thực hiện.

Trong đó, các thông tin tối thiểu tại Phụ lục 3-B Chương 3 Hiệp định CPTPP bao gồm:

- Người xuất khẩu hoặc người sản xuất: Nêu rõ người chứng nhận là người xuất khẩu hay người sản xuất;

- Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người chứng nhận;

- Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người xuất khẩu nếu người xuất khẩu không phải người chứng nhận. Địa chỉ của người xuất khẩu phải là nơi xuất khẩu hàng hóa thuộc nước thành viên Hiệp định CPTPP;

- Thông tin này không bắt buộc nếu người sản xuất cấp giấy chứng nhận xuất xứ và không biết thông tin về người xuất khẩu;

- Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người sản xuất nếu người sản xuất không phải là người chứng nhận hay người xuất khẩu hoặc nếu có nhiều hơn một người sản xuất thì ghi  "Various" hoặc cung cấp danh sách các nhà sản xuất. Nếu thông tin này cần phải giữ bí mật thì có thể ghi "Available upon request by the importing authorities". Địa chỉ của người sản xuất phải là nơi sản xuất hàng hóa thuộc nước thành viên Hiệp định CPTPP;

- Tên, địa chỉ, địa chỉ email và số điện thoại của người nhập khẩu (nếu có thông tin). Địa chỉ của người nhập khẩu phải thuộc nước thành viên Hiệp định CPTPP;

- Mô tả và mã số HS của hàng hóa:  Ghi rõ mô tả hàng hóa và mã số HS của hàng hóa ở cấp độ 6 chữ số. Mô tả phải phù hợp với hàng hóa được chứng nhận; Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ sử dụng cho một lô hàng nhập khẩu thì phải nêu rõ số hóa đơn liên quan đến việc xuất khẩu (nếu biết);Tiêu chí xuất xứ: Nêu cụ thể quy tắc xuất xứ mà hàng hóa đáp ứng;

- Thời hạn (Blanket Period): Trong trường hợp sử dụng một chứng từ chứng nhận xuất xứ cho nhiều lô hàng giống hệt thì trên chứng từ chứng nhận xuất xứ thể hiện thời gian áp dụng nhưng không quá 12 tháng;

- Ngày, tháng, năm và chữ ký được ủy quyền: Chứng từ chứng nhận xuất xứ phải được người chứng nhận ký, ghi ngày, tháng, năm và kèm theo xác nhận sau: "I certify that the goods described in this document qualify as originating and the information contained in this document is true and accurate. I assume responsibility for proving such representations and agree to maintain and present upon request or to make available during a verification visit, documentation nessessary to support this certification"

Theo Tổng cục Hải quan, Văn bản số 4993/TCHQ-GSQL là cơ sở để người khai hải quan và cơ quan hải quan thực hiện trong khi chờ Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Nguồn: Tạp chí Tài Chính