Tin tức

Thái Lan vẫn sẽ tham gia CPTPP?

07/08/2019    310

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang có hiệu lực thực thi với 7 thành viên đã phê chuẩn, bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Chỉ còn 4 thành viên là Brunei, Chile, Malaysia và Peru, vẫn đang trong quá trình phê chuẩn hiệp định.

Khi CPTPP được ký kết, Thái Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối thương mại tự do này. Kể từ đó, Bộ Thương mại Thái Lan đã tiến hành một nghiên cứu về tác động của CPTPP và tiếp tục tiến lên với ý định tham gia Hiệp định Thương mại tự do khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Dường như việc tham gia CPTPP là không thể tránh khỏi. Ngay cả khi nước này bước vào cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau 5 năm vào tháng 3/2019, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak khi đó đã khẳng định ý định của chính phủ về việc tìm kiếm tư cách thành viên CPTPP. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử quốc gia, Chính phủ Thái Lan đã tạm hoãn đơn xin gia nhập CPTPP. Cho đến nay, quyết định về việc Thái Lan có tham gia CPTPP hay không sẽ thuộc về chính phủ mới, mà tới ngày 16/7 vừa qua, nội các mới của Thái Lan đã chính thức ra mắt.

Chính phủ mới của Thái Lan là liên minh của các đảng chính trị - mỗi đảng có lập trường chính trị và kinh tế khác nhau. Trong một môi trường như vậy, ý muốn của chính phủ khi tham gia một hiệp định thương mại tự do sẽ phần nào bị giảm bớt. Việc Thái Lan có tham gia CPTPP hay không cũng có thể phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Kể từ năm 2018, các quốc gia khác ngoài Thái Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến CPTPP, bao gồm cả Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, và Indonesia, nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới. Nếu hai nước này tham gia CPTPP, tất cả các nền kinh tế lớn - ngoại trừ Trung Quốc – nằm ở phía châu Á của vành đai châu Á Thái Bình Dương sẽ là thành viên của khối thương mại khu vực này. Trong trường hợp như vậy, Chính phủ Thái Lan có thể tìm kiếm sự phù hợp hơn về mặt kinh tế để gia nhập CPTPP; Thái Lan muốn có quyền tiếp cận tương tự vào các thị trường Canada và Mexico do CPTPP mang lại như các đối tác ASEAN khác.

Hơn nữa, Mỹ vẫn bỏ ngỏ khả năng quay lại CPTPP và kể từ năm 2018, Vương quốc Anh cũng thể hiện sự quan tâm đến gia nhập CPTPP. Với sự không chắc chắn của Brexit, Chính phủ Anh đã công khai các tuyên bố về việc tham gia CPTPP như một biện pháp để phòng ngừa chống lại các tác động kinh tế bất lợi hậu Brexit. Mặc dù khả năng tham gia CPTPP của Vương quốc Anh có thể không cao, nhưng trục chính của mối quan tâm tại châu Á Thái Bình Dương của cả Mỹ và Anh đều nhấn mạnh tầm quan trọng về kinh tế và địa chính trị của khối thương mại châu Á Thái Bình Dương.

Các chuyên gia của Thái Lan cho rằng, nước này với vị trí chiến lược của mình ở Đông Nam Á, cần phải thực hiện tầm nhìn xa trong việc định vị kinh tế trong khu vực. Liệu cuối cùng có hợp lý để Thái Lan tham gia CPTPP hay không là một quyết định dựa trên cơ sở kinh tế và không phải là vấn đề chính trị.

Nguồn: Báo Công Thương