Tin tức

Từ thương chiến Mỹ - Trung đến EVFTA: Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào?

17/07/2019    294

Đây cũng là chủ đề chính của hội thảo do Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao và CLB DN dẫn đầu - LBC tổ chức sáng nay 16/7 tại TP. Hồ Chí Minh. Thông qua hội thảo sẽ giúp cho các DN thành viên nắm được những thông tin mới nhất, liên quan đến cuộc thương chiến Mỹ – Trung, cũng như EVFTA – Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam vừa được ký kết.    

Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi từ thương chiến 

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang và EVFTA vừa được ký, Việt Nam được đánh giá là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Xung đột thương mại giữa hai cường quốc có khả năng đẩy dòng vốn đầu tư sang Việt Nam, nhưng cũng có thể tác động tiêu cực đến hàng xuất khẩu. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng có thể gây hại đến mối liên kết giữa Trung Quốc và Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của chuỗi này.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright – Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng cho biết - Việt Nam đang nổi lên như một nước hưởng lợi lớn từ sự phá vỡ chuỗi cung ứng tập trung quá nhiều vào Trung Quốc như hiện nay. Minh chứng rõ ràng nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần trong 6 tháng/2019 của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng tích cực, đạt đạt trên 122 tỷ USD trong nửa năm 2019, trái ngược hoàn toàn với sự sụt giảm đang diễn ra ở tất cả các nước còn lại của châu Á như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc...

Các mặt hàng như dệt may, đồ gỗ, các linh kiện máy tính và điện tử, điện thoại thuộc diện bị xem xét và quy định bởi hàng rào thuế quan cao hơn áp dụng bởi chính quyền Mỹ lên các sản phẩm từ Trung Quốc. Nhưng xuất khẩu từ Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua cho thấy Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự chuyển hướng nhu cầu và xuất khẩu từ thương chiến Mỹ- Trung. Đầu tư và thương mại sẽ đổi hướng sang Việt Nam khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt.

“Made by Vietnam” thay cho “Made in Vietnam”

Mặc dù được đánh giá được hưởng lợi nhưng trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khi xung đột với Trung Quốc, Mỹ có thể tìm cách hủy bỏ các quy định hỗ trợ thương mại toàn cầu. Do đó, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng xấu khi nền kinh tế có độ mở lớn.

Nhằm tránh khó khăn về thương mại với Mỹ trong tương lai do xuất siêu, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh cần giải thích rõ thặng dư thương mại thực sự với Mỹ. Đó là một phần thặng dư thương mại này là hàng xuất khẩu từ Việt Nam bao gồm xuất khẩu của các nước khác, vì thành phẩm ở Việt Nam chủ yếu có từ lắp ráp. Chẳng hạn mỗi năm Việt Nam xuất sang Mỹ hàng điện tử có giá trị rất lớn, lên tới 4 tỷ, nhưng chỉ được hưởng chưa tới 1% giá trị, do đa số thành phần của các sản phẩm này được nhập từ các nước khác. Mỹ cũng được hưởng lợi khi họ xuất linh kiện vào Việt Nam và lắp ráp tại đây. Do đó, Việt Nam nên có một bản nghiên cứu kỹ về giá trị thực sự của hàng xuất từ Việt Nam và cần xem lại Luật Đầu tư để kiểm soát danh mục này.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên tranh thủ chiến tranh thương mại để thực hiện công cuộc tăng giá trị hàng xuất khẩu bằng giá trị thực của Việt Nam. Quan trọng nhất là các DN xuất khẩu Việt Nam phải có các sản phẩm "Made by Vietnam - do Việt Nam chế tạo", chứ không phải "Made in Vietnam - Sản xuất tại Việt Nam" như hiện nay. Các DN xuất khẩu cần phải khắc phục một số điểm yếu nội tại như tăng năng suất lao động, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Các DN nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc, chủ động ứng phó hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới...

Từ phía Chính phủ nên nhận dạng các ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng, có liên kết với công nghệ trong nước, mang lại giá trị xuất khẩu lớn. Chú trọng vào giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và có các quy định tạo thuận lợi cho DN tư nhân phát triển – ông Nestor Sherbey – Chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GTFA) chia sẻ.

Nguồn: Báo Công Thương