Tin tức

Việt Nam ký EVFTA và EVIPA: Xu thế tất yếu!

08/07/2019    1137

Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã khẳng định chúng ta đang đi đúng hướng trong chiến lược phát triển đất nước.

Cùng với đó là sự “biết mình, biết người” trong đàm phán thương mại song phương, bình đẳng giữa Việt Nam với 28 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Nỗ lực không mệt mỏi

Có thể nói, việc hình thành các Hiệp định FTA nói chung đang là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, phát triển mà các quốc gia không thể đứng ngoài cuộc và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nhận thức rõ điều này, trong những năm qua chúng ta đã rất tích cực tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định FTA song phương và đa phương. Nên câu chuyện về EVFTA – EVIPA chính là thành công mới nhất, cơ hội mới nhất trong nỗ lực không biết mết mỏi của Việt Nam.

Không thể phủ nhận một điều, EU là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng da giày, dệt may và nông nghiệp, thủy sản.  Và EVFTA - EVIPA được đánh giá là Hiệp định thương mại song phương thế hệ mới, có tiêu chuẩn chất lượng cao và toàn diện. Đây là cánh cửa cơ hội đầu tư và tăng cường xuất khẩu các ngành hàng nói trên với Việt Nam.

Theo đó, ngoài các cam kết về thương mại, Hiệp định này còn bao gồm cả những điều khoản quan trọng về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư, bảo vệ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và xã hội, những vấn đề liên quan đến điều kiện của người lao động, về nhân quyền và phát triển bền vững.

Để đạt được thỏa thuận, Việt Nam đã cùng EU thống nhất loại bỏ hơn 99% tất cả các loại thuế quan giữa hai bên. Trong đó, 65% thuế xuất khẩu của EU vào Việt Nam sẽ bị loại bỏ khi có hiệu lực, và phần còn lại sẽ bị loại bỏ dần trong thời gian 10 năm. Thuế của EU đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bị loại dần trong thời gian 7 năm.

Mở rộng “cánh cửa” hội nhập

Theo Bộ Công Thương, mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Hiệp định sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Cụ thể, với thủy sản, ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Với dệt may, EU là thị trường lớn thứ 2 của ngành với mức tăng trưởng hằng năm 7%-10%, chỉ đứng sau Mỹ. Năm 2018, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 tỷ USD sang thị trường EU. Hiện thuế suất xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực thì thuế suất sẽ giảm dần về 0% trong vòng 7 năm. Vì thế ngành này kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sẽ cán mốc 40 tỷ USD khi có EVFTA..v..v.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA còn mang lại lợi ích về thuế quan đối với hàng loạt sản phẩm như thủy sản, gạo, chăn nuôi… Cụ thể, như đối với nhóm hàng thịt trâu bò tươi, ướp lạnh, đông lạnh, thịt heo tươi, đông lạnh… cơ bản thuế sẽ giảm xuống còn 0%.

Đối với mặt hàng rau quả, 530/556 dòng thuế về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, 93% sản phẩm cà phê, hồ tiêu được giảm về 0% khi Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực. Hiệp định thương mại tự do này còn là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Thấy gì khi nhìn ra các nước?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng “với EVFTA – EVIPA thì lợi thế đã được chia đều cho cả hai bên”. Còn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì đánh giá “EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu”.

Thực tế, chúng ta hoàn toàn hy vọng ở EVFTA và EVIPA nếu nhìn vào sự bứt phá của một số nước trong khu vực bằng những con số cụ thể.

Ví như: Hàn Quốc khi ký Hiệp định thương mại tự do với EU đã giúp cho tốc độ tăng trưởng của đất nước này tăng từ 0,3 - 0,5% một năm, xuất khẩu sang EU tăng tới 18%, có năm tăng tới 24%. Và ngược lại, các doanh nghiệp EU với công nghệ tiên tiến, với phương thức quản trị hiện đại, những con người có nếp làm việc công nghiệp đã tăng đột biến đầu tư vào Hàn Quốc, tới 70%. Như vậy, Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc - EU đã mang lại thành công rất lớn cho cả hai bên.

Phải nói rằng, sự ra đời và phát triển của nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải mở rộng các thị trường quốc gia, hình thành thị trường khu vực và quốc tế thống nhất. Đây là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung. Dĩ nhiên, bằng những Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP… và mới nhất là EVFTA, Việt Nam nghiễm nhiên đã là một nền kinh tế thị trường. Đột phá về thể chế kinh tế vĩ mô đã hoàn thành sứ mệnh.

Điều này cũng có nghĩa, từ EVFTA và EVIPA, một mặt cho thấy, “cánh cửa hội nhập” đã mở với Việt Nam. Mặt khác, Hiệp định này còn khẳng định thêm về mặt lý luận rằng, chúng ta đang đi đúng hướng trong chiến lược phát triển đất nước. Cùng với đó là sự “biết mình, biết người” trong đàm phán thương mại song phương, bình đẳng giữa Việt Nam (một quốc gia đang phát triển) với 28 quốc gia thành viên của EU (những quốc gia có có khung khổ pháp lý chuẩn mực, trình độ quản trị quốc gia, quản trị kinh tế rất cao).

Không chỉ có “màu hồng”

Bên cạnh các cơ hội lớn để chúng ta tham gia vào sân chơi toàn cầu, cũng có không ít thách thức đang đặt ra đối với Việt Nam đòi hỏi phải thay đổi để khắc phục các hạn chế, yếu kém để tận dụng thời cơ phát triển. Theo quan điểm của cá nhân người viết đó là: 

Một là: Tháo chiếc vòng kim cô “nền kinh tế phi thị trường”

Nếu nhìn lại toàn bộ mục tiêu của chúng ta khi hội nhập quốc tế, tham gia các FTA nói chung sẽ thấy, mục tiêu chính trị thường đi trước mục tiêu kinh tế, xã hội. Chúng ta ký FTA với Mỹ, trở thành thành viên của ASEAN, WTO, ký Hiệp định thương mại tự do với ASEAN… trước hết là một quyết định mang tính chính trị, sau đó mới là các vấn đề về thể chế, cơ cấu kinh tế, đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế…

Tức là, việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do rõ ràng là một cơ hội lớn, nhưng để phát huy hiệu quả, chúng ta không thể không đẩy mạnh cải cách từ chính bên trong, tức thay đổi về chất, có vậy mới mong tháo gỡ chiếc vòng kim cô “nền kinh tế phi thị trường”.

Hai là: Nỗ lực lớn để đáp ứng tiêu chuẩn của EVFTA và EVIPA

Một thách thức không nhỏ với Việt Nam là khi tham gia vào khối thị trường này, các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của ta so với các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá thành.

Ba là: Mức độ sẵn sàng và sự chuẩn bị hội nhập của doanh nghiệp chưa tốt

Nói vậy vì theo điều tra PCI 2018 cho thấy, có đến 77% doanh nghiệp dân doanh của nước ta không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về EVFTA và EVIPA. Con số này phản ánh một thực tế là số lượng doanh nghiệp nước ta không hiểu gì về nội dung của EVFTA là rất lớn. Rõ ràng, phần đông doanh nghiệp của chúng ta vẫn chưa để tâm đến các vấn đề mang tính chiến lược trong hội nhập kinh tế quốc tế mà vẫn đang tập trung vào việc cơm áo gạo tiền, trước mắt, ngắn hạn…

“Hiện Việt Nam mới hiện thực hoá được 40% giá trị từ các FTA mang lại và trong số này phần giá trị doanh nghiệp Việt nắm bắt chỉ khoảng 12%. Đây là thách thức khi EVFTA được ký và có hiệu lực… Doanh nghiệp Việt cần là chủ thể, làm quen cách chơi chuyên nghiệp của thị trường hiện đại bậc nhất thế giới. Khi chơi với EU hay với Mỹ, Nhật Bản, chúng ta không thể chơi kiểu tù mù được, phải chơi chuyên nghiệp, chủ động” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói.

Dù sao đi nữa, việc ký kết thành công Hiệp định EVFTA và EVIPA vừa minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong quá trình hội nhập, vừa thể hiện được trình độ, năng lực và nỗ lực không mệt mỏi của đàm phán kinh tế, ngoại giao Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó cộng đồng doanh nghiệp phải tranh thủ và tận dụng được tối đa những cơ hội mà EVFTA, EVIPA nói riêng và các FTA thế hệ mới nói chung mang lại để phát triển đất nước.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp