Tin tức

Kiểm soát và bảo đảm gỗ hợp pháp trong Mua sắm công ở Việt Nam - Chặng đường còn gian nan

20/06/2019    364

Sáng ngày 20/6, Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) phối hợp với các Hiệp hội gỗ VIFORES, FPA, HAWA và Forest Trends tổ chức hội thảo Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam - Thực trạng pháp luật, thực tiễn và thách thức trong thực thi VPA-FLEGT.

VPA/FLEGT - Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản có hiệu lực giữa Việt Nam và EU từ 1/6/2019 là dấu mốc quan trọng trong tiến trình thực hiện quản lý bền vững rừng cũng như phát triển bền vững ngành chế biến gỗ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là điểm khởi đầu của những thách thức thực thi cam kết gỗ hợp pháp ở Việt Nam.

Trong thực thi Hiệp định này, ở vai trò “khách hàng” tiêu dùng một lượng lớn các sản phẩm gỗ trên thị trường nội địa, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm rằng các sản phẩm gỗ mua sắm công (sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm, thông qua thủ tục đấu thầu) phải là gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, theo thông tin được công bố tại Hội thảo, các rà soát, điều tra sơ bộ từ các góc độ pháp luật và thực tiễn (cả từ phía các đơn vị mua sắm công và doanh nghiệp cung cấp đồ gỗ) bước đầu cho thấy Nhà nước sẽ còn rất nhiều việc phải làm để có thể bảo đảm thực hiện trách nhiệm nói trên.

Về pháp luật, rà soát pháp luật đấu thầu – khung khổ cốt lõi cho mọi hoạt động mua sắm công ở Việt Nam – cho thấy mặc dù đã có yêu cầu chung (về việc hoạt động đấu thầu phải tuân thủ tất cả các hệ thống pháp luật liên quan), pháp luật đấu thầu hiện chưa có yêu cầu cụ thể và có tính hệ thống về tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua sắm công (trong đó có các sản phẩm gỗ). Pháp luật đấu thầu cũng không có cơ chế kiểm soát thường xuyên về khía cạnh này. Nói cách khác, pháp luật đấu thầu hiện chưa thể xem là có cơ chế hữu hiệu nhằm kiểm soát tính hợp pháp của gỗ cung cấp trong các hợp đồng mua sắm công ở Việt Nam.

Về thực tiễn, kết quả khảo sát 100 bộ hồ sơ mời thầu mua sắm gỗ trong Nghiên cứu cho thấy mặc dù rất quan tâm tới loại gỗ sử dụng nhưng đó thuần túy là mối quan tâm từ góc độ kỹ thuật (gắn với chất lượng và giá trị gỗ), các đơn vị mời thầu rất hiếm khi có yêu cầu riêng về tính hợp pháp của gỗ. Và nếu có quan tâm, mối quan tâm đó cũng là ở các khía cạnh pháp luật liên quan tới chất lượng, sở hữu trí tuệ… mà ít khi là các yếu tố cốt lõi như pháp luật về khai thác gỗ nguyên liệu.

Từ góc độ của các nhà thầu cung cấp gỗ cho các đơn vị sử dụng vốn Nhà nước, khảo sát 33 doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho một số kết quả lạc quan hơn. Theo đó, mặc dù ít được quan tâm hơn so với các khía cạnh khác, vấn đề gỗ hợp pháp vẫn là một trong số các yêu cầu mà nhiều đơn vị mời thầu chú trọng, Vẫn có một tỷ lệ đáng kể các trường hợp bên mời thầu có yêu cầu cụ thể về nguồn gốc hợp pháp của gỗ nguyên liệu hoặc yêu cầu cung cấp các bằng chứng chứng minh gỗ hợp pháp. Ở góc độ khác, bản thân các doanh nghiệp hiện đã có ý thức về việc bảo đảm gỗ hợp pháp, thông qua việc chủ động lưu giữ các chứng từ chứng minh nguồn gốc và chủng loại gỗ nguyên liệu đã sử dụng cho các gói thầu mua sắm gỗ công cũng như các giấy tờ khác liên quan tới việc kinh doanh sản phẩm gỗ. 

Từ các kết quả nghiên cứu trên, tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đã đưa ra các đề xuất ban đầu về giải pháp tăng cường hiệu quả kiểm soát gỗ hợp pháp trong mua sắm công cả từ góc độ pháp luật và thực tiễn đấu thầu của bên mời thầu cũng như nhà thầu.

Về mặt pháp luật, đề xuất bổ sung vào pháp luật đấu thầu quy định điều kiện bắt buộc về tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ (trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ). 

Về mặt thực tế, một số gợi ý các giải pháp cụ thể và đối tượng tập trung ưu tiên trong phổ biến tuyên truyền, đào tạo về đấu thầu mua sắm gỗ được đưa ra trong Hội thảo. Ví dụ, đối với nhóm các đơn vị mời thầu, cần bổ sung các hướng dẫn riêng liên quan tới mua sắm đồ gỗ trong các giáo trình đào tạo, các Sổ tay hướng dẫn về đấu thầu, Hướng dẫn ứng xử tự nguyện về mua sắm công đồ gỗ, hay các hoạt động tuyên truyền phổ biến về chủ đề mua sắm công đồ gỗ cho các nhóm có “nguy cơ cao” (ví dụ các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh). Đối với các doanh nghiệp – nhà thầu, cần tập trung cho các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về gỗ hợp pháp cho nhóm sản xuất chế biến gỗ, và nhóm thương mại chuyên nhập khẩu gỗ nguyên liệu, xoay quanh các chủ đề dễ gây hiểu nhầm như phạm vi sản phẩm gỗ phải tuân thủ cam kết VPA/FLEGT; Hệ thống pháp luật phải tuân thủ theo yêu cầu VPA/FLEGT; Nội dung yêu cầu và cách thức bảo đảm tuân thủ gỗ hợp pháp….

Hy vọng rằng sau Hội thảo này, Nhà nước, các doanh nghiệp và toàn xã hội sẽ có sự quan tâm hơn, nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề gỗ hợp pháp trong pháp luật và thực tiễn đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam. Đồng thời, cũng hy vọng các đề xuất, gợi ý chính sách từ Hội thảo được lắng nghe, tiếp nhận và hiện thực hóa. Qua đó, chúng ta cùng hy vọng vào những chuyển biến tích cực và hiệu quả nhằm giảm thiểu và loại bỏ gỗ bất hợp pháp trong khu vực mua sắm công đồ gỗ ở Việt Nam, góp phần bảo đảm gỗ hợp pháp ở Việt Nam nhằm thực thi VPA/FLEGT cũng như vì lợi ích và sự phát triển bền vững của chính môi trường, rừng và ngành chế biến gỗ Việt Nam./

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập