Tin tức

Thách thức để Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới

17/06/2019    206

Việt Nam được đánh giá là “công xưởng” mới của thế giới, tuy nhiên, câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra là, chất lượng của công xưởng đó thì như thế nào?

Minh chứng cho nhận định công xưởng mới của thế giới có thể kể đến việc Việt Nam đã trở thành điểm đến của hàng loạt các nhà đầu tư lớn trong xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Triển vọng công xưởng mới của thế giới

Mới đây nhất có thể kể đến như chia sẻ của ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc khu công nghiệp DEEP C Việt Nam, đã cho biết rằng, nhu cầu tìm hiểu đất khu công nghiệp và khả năng đầu tư tại riêng DEEP C đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Không chỉ vậy, tổng diện tích cho thuê đất tính tới thời điểm cuối tháng 4 của công ty đã bằng với cả năm 2018.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến nhận định của ông Chris Helzer, Phó chủ tịch phụ trách thương mại và quan hệ Chính phủ của Tập đoàn Nike (Mỹ), đã khẳng định rằng, Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của Nike trong sản xuất và xuất khẩu. Hiện có tới 50% sản phẩm của Nike trên toàn cầu là được sản xuất tại Việt Nam.

Đây là những tín hiệu đáng mừng. Bởi điều này chứng tỏ Việt Nam đang thực sự trở thành một công xưởng mới của thế giới. Không chỉ Nike, mà nhiều nhà sản xuất lớn trên toàn cầu cũng đang tích cực dịch chuyển sản xuất vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Samsung, nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới cũng đang sản xuất tới 50% tổng sản lượng điện thoại di động tại Việt Nam.

Đáng chú ý, tương tự Nike, Adidas cũng đã nhiều lần công bố việc chuyến hướng sản xuất tới Việt Nam. Ngay từ năm 2010, nhà sản xuất giày dép này đã cắt giảm số lượng sản xuất tại Trung Quốc xuống còn một nửa, thay vào đó, hầu hết được dịch chuyển sang Việt Nam.

Ngoài ra, theo thông tin sau buổi gặp mặt Đại sứ Nhật Bản, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đã chia sẻ rằng, đang có khoảng 20.000 doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đang loay hoay tìm hướng dịch chuyển đầu tư.

Và dường như Việt Nam cũng đang trở thành một địa điểm được cân nhắc.

Củng cố vị thế đầu tư hấp dẫn bậc nhất

Chính vì vậy, cũng không lấy gì làm ngạc nhiên, khi chỉ trong 5 tháng đầu năm, đã có 16,74 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng vốn đầu tư của Trung Quốc đã là 2,02 tỷ USD, tăng rất mạnh so với những năm trước đây.

Theo đó, các ông lớn đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ Đức … cũng vốn là những nhà đầu tư vốn đang chiếm vị trí chủ đạo của dòng vốn FDI hiện nay. Điều này góp phần tiếp tục khẳng định vị dẫn đầu thu hút FDI của Việt Nam.

Có lẽ, không phải bây giờ, khi mà cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, các chuyên gia mới nhận định về vị trí công xưởng mới thế giới của Việt Nam. Bởi trước đó, vào thời điểm tháng 7 năm ngoái, một tờ báo hàng đầu của Pháp mang tên “Le Temps” cũng đã nhận định về việc “Việt Nam - công xưởng mới của thế giới” với các lợi thế so sánh trong hoạt động đầu tư.

Theo đó, các yếu tố như mức lương thấp, ưu đãi thuế để khuyến khích các nhà đầu tư và các thỏa thuận về tự do thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, Tờ báo cũng ghi nhận sự tăng trưởng phi thường của các khu công nghiệp Việt Nam và vị trí địa chiến lược của Việt Nam, nằm giữa Trung Quốc và Singapore, tiếp giáp với Biển Đông - một trong những tuyến đường hàng hải lớn trên thế giới.

 Bên cạnh sự ghi nhận của thông tin quốc tế, những con số từ dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, mà chính các chuyên gia cũng đồng tình rằng, Việt Nam là công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây rằng, những thách thức đang đặt ra đối với chất lượng công xưởng, chính là câu hỏi đang đặt ra hiện nay?

Thách thức để có một công xưởng chất lượng

Đặt vấn đề liên quan đến câu hỏi này, TS Huỳnh Thế Du từng cho biết rằng: “Về triển vọng các ngành khác có thể trở thành công xưởng mới của thế giới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cách đây vài năm không ai kỳ vọng ngành sản xuất, lắp ráp điện thoại trở thành công xưởng thế giới. Nhưng Samsung xuất hiện, Việt Nam đã thành công xưởng điện thoại của thế giới".

Tuy nhiên, TS Huỳnh Thế Du cũng phân tích thêm rằng, Việt Nam không thể là công xưởng của thế giới giống như Trung Quốc, vì ngành gì của Trung Quốc cũng chiếm một tỉ trọng xuất khẩu cực kỳ lớn. Thị phần của Trung Quốc rất lớn nhưng xét ở góc độ cận ngành, một số ngành sản xuất của VN đang là công xưởng của thế giới rồi. Còn nhìn vào quy mô xuất khẩu khoảng 200 tỉ USD thì chưa thể là công xưởng lớn toàn cầu.

Đồng tình với quan điểm của TS Huỳnh Thế Du, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, công xưởng mới của thế giới đang trở thành hiện thực, khi nhìn dòng vốn chảy vào Việt Nam thời gian gần đây. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Việt Nam tận dụng được gì từ công xưởng này? Bên cạnh đó, “chất lượng công xưởng, sẽ phụ thuộc vào một loạt chính sách từ đào tạo lao động, tiền lương, môi trường..., cho đến cả bộ lọc FDI”, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh khẳng định.

Ngoài ra, chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình hoàn thiện “công xưởng mới” của thế giới, tờ Le Temps của Pháp cũng đã thông tin rằng, một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong những năm tới là khả năng thích nghi và ứng phó được với sự gián đoạn và những sự thay đổi tất yếu mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Ngoài ra, trang Inquirer.net khuyến cáo, để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển khu công nghiệp hay logistics cũng như trở nên thu hút và cạnh tranh hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam sẽ cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước.

Trong khi đó, Bloomberg lại khuyến nghị rằng Việt Nam cần áp dụng một số biện pháp bảo vệ nền kinh tế của mình, trong đó có giảm tỷ giá hối đoái VND/USD để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước.

Trong số những biện pháp cần thiết có cả việc cắt giảm chi phí cho các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất bằng cách giảm số lượng giấy phép và giấy chứng nhận, cũng như giúp họ tìm kiếm thị trường mới.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp