Tin tức

Tận dụng dòng chảy thương mại từ AHKFTA

14/06/2019    823

Thường thì những hiệp định này không mang lại nhiều cơ hội về thuế quan hay điều kiện đầu tư, nhưng đã tạo thêm thuận lợi giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang Hồng Kông.

Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/6/2019 với Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Lào và Myanmar, hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Hồng Kông tiếp tục tạo điểm sáng cho mở rộng tự do thương mại toàn cầu, đồng thời tác động tích cực lên nền kinh tế Đông Nam Á.

Hiệp định thương mại, được ký kết giữa Hồng Kông và 10 nước thành viên hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 11 năm 2017, giúp giảm thuế hàng hóa, đẩy mạnh dòng chảy dịch vụ và đầu tư giữa các thị trường trong khu vực và Hồng Kông.

Các quốc gia sẽ dần cắt giảm thuế quan trong những năm sắp tới. Việt Nam sẽ loại bỏ thuế xuất nhập khẩu đối với 75% hàng hóa được liệt kê trong biểu thuế quan trong vòng 10 năm và giảm thuế quan với thêm khoảng 10% hàng hóa vòng 14 năm.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022, mức thuế suất trung bình tại AHKFTA giảm từ 6,97% năm 2019 xuống 4,98% vào năm 2022. Mức thay đổi thuế suất trung bình lớn nhất diễn ra trong năm 2021, với mức giảm từ 6,52% năm 2020 xuống 4,98% trong năm 2021, tương ứng với mức giảm 63,8 tỷ đồng số thu thuế nhập khẩu.

Thỏa thuận Đầu tư trong khuôn khổ hiệp định sẽ đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ được đối xử công bằng với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước ở các thị trường đồng thời giảm thiểu những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực dịch vụ.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định AHKFTA là một bước tiến mới trong nỗ lực đảm bảo tự do thương mại toàn cầu và là một thành công lớn cho ASEAN, cụ thể là Việt Nam.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra, các doanh nghiệp Hồng Kông đang tìm kiếm mở rộng cơ hội đầu tư và Hiệp định này mở ra nhiều cơ hội hơn nữa tại Đông Nam Á.

“Quan hệ hợp tác song phương giữa Hồng Kông và Việt Nam phát triển ổn định trong những năm qua và việc đưa vào thực hiện hiệp định mới này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hợi hợp tác hơn nữa cho hai thị trường này”, ông Hải cho biết.

Làm sao để doanh nghiệp hưởng lợi từ hiệp định này vẫn là câu hỏi lớn, vì doanh nghiệp Việt Nam còn chưa hiểu hết tác động của nó. Thường thì những hiệp định này không mang lại nhiều cơ hội về thuế quan hay điều kiện đầu tư, nhưng đã tạo thêm thuận lợi giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang Hồng Kông.

Muốn được hưởng lợi, các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ để nắm được những thông tin về các cơ hội và lợi ích từ AHKFTA.

Theo bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Công ty phát triển xanh, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định rõ ràng mã HS (mã số hàng hóa), hàng hóa sản xuất cần đáp ứng quy tắc xuất xứ, có C/O ưu đãi tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm được sản xuất/sở hữu bởi cá nhân/doanh nghiệp,... Nhưng bà cũng cảnh báo khi làm ăn với đối tác Trung Quốc các doanh nghiệp phải xác minh, kiểm tra kỹ thông tin về đối tác.

ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hồng Kông trong lĩnh vực thương mại hàng hóa năm 2018 và là đối tác lớn thứ tư về thương mại dịch vụ trong năm 2017.

Việt Nam với lợi thế về các yếu tố địa chính trị được xem là điểm đến đầu tư thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp định thương mại AHKFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn nữa cho quốc gia phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á này, tiếp tục đẩy mạnh dòng chảy thương mại giữa Việt Nam và Hồng Kông, HSBC nhận định.

5 tháng đầu năm 2019, Hồng Kông đứng đầu trong số các thị trường có đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 5,08 tỉ USD, chiếm khoảng 30,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. 

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp