Tin tức

Có dễ tận dụng ưu đãi thuế từ CPTPP?

03/06/2019    336

Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được trình Chính phủ và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 6. Song việc nhận được các ưu đãi này không hẳn dễ dàng.

Một số lưu ý về ưu đãi thuế

Theo ban soạn thảo, Biểu thuế dự kiến có lộ trình 4 năm, từ 2019 - 2022. Khi Nghị định được ban hành, các doanh nghiệp đã có tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu vào các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt từ ngày 14/1/2019.

Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính cho biết, doanh nghiệp cần đáp ứng 4 nội dung để được hưởng ưu đãi trong Hiệp định CPTPP.

Một là, các doanh nghiệp cần xem nước xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá có thuộc danh sách các quốc gia đã thực thi Hiệp định CPTPP hay không. Bởi lẽ đến nay, mới có Việt Nam và 6 nước phê chuẩn và thực thi hiệp định này là Mexico, Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore.

“Trong thời gian tới, khi có thêm các nước khác phê chuẩn và thực hiện CPTPP, Bộ Tài chính sẽ công bố lộ trình cắt giảm thuế quan đối với các nước này”, ông Thăng nói.

Hai là, với lộ trình 4 năm nêu trên, các doanh nghiệp cần rà soát kỹ về danh mục hàng hóa và lộ trình cắt giảm tương ứng. Chẳng hạn, với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, mức thuế trong năm 2019 sẽ giảm về 64% và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 6% mỗi năm.

Thứ ba, để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải có hồ sơ hàng nhập khẩu tại nước nhập khẩu và phải có chứng từ vận đơn vận tải. Theo đó, hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam phải đạt được đích đến tại nước nhập khẩu để tránh tình trạng lợi dụng để xuất khẩu sang nước thứ ba.

Thứ tư, "doanh nghiệp cần hết sức lưu tâm đến xuất xứ hàng hóa để đảm bảo điều kiện hưởng ưu đãi thuế", ông Thăng nói.

Ông Vũ Nhữ Thăng cho biết thêm, hiện nay, do biểu thuế ưu đãi chưa được ban hành, nên khi xuất khẩu hàng sang các nước thành viên CPTPP, doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế bình thường. Sau đó, trong vòng 1 năm sau khi hàng hoá đã đến đích, doanh nghiệp sẽ mang hồ sơ tới cơ quan hải quan để được hoàn thuế.

Xử lý số thuế nộp thừa

Việc xử lý số thuế nộp thừa này cũng đã được nêu rõ tại Dự thảo Nghị định nêu trên. Theo đó, trường hợp hàng hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi trong Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp đã nộp thuế và thuế suất áp dụng tại thời điểm đăng ký tờ khai cao hơn thuế suất ưu đãi trong CPTPP, doanh nghiệp sẽ được xử lý tiền thuế nộp thừa.

Về thủ tục hoàn thuế, theo quy định tại Khoản 64 Điều 1 của Thông tư số 39/2018/TT-BTC, trong vòng 12 tháng kể từ ngày tờ khai đăng ký làm thủ tục, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ hoàn thuế cho cơ quan hải quan. Hồ sơ hoàn thuế gồm có công văn đề nghị cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo mẫu quy định tại Thông tư 39 và chứng nhận xuất xứ form CPTPP.

Trong trường hợp hàng hóa được chuyển tải hoặc vận chuyển qua nước thứ ba không phải thành viên CPTPP, người khai hải quan phải nộp bổ sung các chứng từ chứng minh hàng hóa giữ nguyên trạng về xuất xứ CPTPP.

Sau khi có đầy đủ chứng từ như trên, người khai hải quan sẽ khai bổ sung đối với tờ khai ban đầu, chỉ tiêu khai bổ sung là điều chỉnh thuế suất tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu. Trong đó, DN sẽ điều chỉnh biểu thuế áp dụng, lựa chọn biểu thuế CPTPP và hệ thống xử lý dữ liệu của hải quan sẽ tự động nhập thuế suất CPTPP tương ứng sau khi DN đã hoàn thành việc khai bổ sung kèm theo các chứng từ nộp cho cơ quan hải quan thông qua hệ thống hải quan điện tử.

Trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ chứng từ hợp lệ, cơ quan hải quan sẽ đối chiếu với bộ hồ sơ ban đầu, kiểm tra tính chính xác trong các thông tin kê khai. Nếu các thông tin đầy đủ, cơ quan hải quan sẽ ban hành quyết định xử lý tiền thuế nộp thừa cho doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Thương trường