Tin tức

Việt Nam chưa tận dụng lợi thế về thuế để xuất khẩu tôm sang Nga

29/05/2019    374

Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu (FTA VN-EAEU) có giúp thúc đẩy xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga?

Theo thông tin từ hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Nga đứng thứ 40 về nhập khẩu tôm từ Việt Nam, chiếm 0,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Hiện nay, Nga vừa nhập khẩu ít và có xu hướng giảm nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Vậy Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu (FTA VN-EAEU) có giúp thúc đẩy xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga?

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU - bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) được ký kết ngày 29/5/2015, và có hiệu lực từ ngày 05/10/2016. Đây cũng là FTA đầu tiên của EAEU. Trong khối EAEU, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tôm sang Nga, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các nước còn lại trong khối không đáng kể.

Theo cam kết của EAEU cho nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, tỷ lệ dòng thuế cắt giảm là 100% trong đó 95% tỷ lệ dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn với lộ trình 10 năm. 75% tỷ lệ dòng thuế được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Theo cam kết của EAEU cho tôm Việt Nam với các sản phẩm mã HS 030616910, 030616990, 030617910, 030617920, 030617930, 030617940, 030617990 sẽ được giảm từ mức thuế cơ sở 10% về 0% ngay sau khi FTA VN-EAEU có hiệu lực. Các sản phẩm tôm mã HS160521 và 160529 (tôm không đóng túi kín khí, đã chế biến hoặc bảo quản và tôm loại khác), 160530 (tôm hùm chế biến) được giảm từ mức thuế cơ sở 20% về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Như vậy, các sản phẩm tôm chính của Việt Nam xuất khẩu sang Nga gồm các mã HS 030617, 030616 và tôm chế biến gồm các mã HS 160521, 160529 đều được miễn thuế sau khi FTA VN-EAEU có hiệu lực. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga chưa tận dụng được lợi thế này. Từ thời điểm FTA VN-EAEU có hiệu lực đến nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này liên tục giảm. Năm 2016, xuất khẩu tôm sang Nga đạt 20,3 triệu USD, năm 2017 giảm xuống 18,2 triệu USD và giảm xuống còn 15,2 triệu USD năm 2018.

So sánh với thời điểm trước năm 2016, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga sau năm 2016 thấp hơn. Từ 2013 đến 2015, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga dao động từ 19,2 triệu USD đến 27 triệu USD.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tập trung khai thác những thị trường truyền thống hấp dẫn như Mỹ và EU và chưa đánh giá cao tiềm năng tiêu thụ tại Đông Âu, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và mặn mà với thị trường Nga. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Nga khá cao so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường Nga như Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador…nên chưa hấp dẫn được các nhà nhập khẩu của Nga.

Tuy nhiên, có một tín hiệu khác đang diễn ra trong bức tranh xuất khẩu tôm 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga đảo chiều tăng với kim ngạch đạt 1,9 triệu USD, tăng 109% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tin tốt cho ngành tôm trong khi xuất khẩu sang các thị trường chính sụt giảm.

Trong bối cảnh FTA VN-EAEU đã có hiệu lực và tạo ra những ưu đãi cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga trong khi các đối thủ cạnh tranh trên thị trường Nga (Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Bangladesh) chưa có FTA với EAEU. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cần tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng được các quy tắc xuất xứ đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật của thị trường Nga.

Nguồn: Báo Cung cầu