Tin tức

Xuất khẩu nông sản Việt: Tình trạng bị trả về và tính liên kết trong nông nghiệp

24/05/2019    7335

Mối liên kết chưa bền chặt, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân khiến sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp chưa đạt chất lượng tốt.

Ông Đàm Quang Thắng - TGĐ công ty TNHH Agricare nêu ra trong cuộc trò chuyện với Phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến câu chuyện, mới đây, nhiều lô hàng nông sản Việt Nam vừa bị Nhật Bản, EU từ hối hoặc bị giám sát, áp lệnh kiểm tra 100%.

Đáng nói, việc nông sản Việt Nam xuất khẩu rồi bị trả lại đã diễn ra nhiều lần không những gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín chung của nông sản Việt. 

- Đâu là những nguyên nhân của tình trạng trên, thưa ông?

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ hàng bị trả lại hoặc phải xử lý lại ở mức độ khá cao. Có thể là do Việt Nam xuất khẩu nhiều, nên làm nhiều, lỗi nhiều là bình thường. Tuy nhiên, với những lô hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của phía đối tác, ví dụ như đối với các mặt hàng thuỷ sản, nông sản có nhiều nguyên nhân. Trong đó, xuất phát chủ yếu từ khâu sơ chế, chế biến, khâu sản xuất.

Quy trình sản xuất là một quy trình hoàn chỉnh mà ở đó doanh nghiệp phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, đặc biệt là những thị trường khó tính. Trong quá trình sản xuất như vậy, doanh nghiệp đã có bộ tiêu chuẩn sản xuất để tuân theo. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, làm thế nào để doanh nghiệp có thể giám sát được toàn bộ quá trình sản xuất của bà con nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm, là tương đối khó khăn.

Bởi, trong rất nhiều khâu của quá trình sản xuất, chúng ta đều làm tốt, ví dụ như sản xuất trên đồng ruộng. Tuy nhiên, đến khâu gia công, chế biến, chỉ cần mắc một lỗi rất nhỏ, ví dụ như hoa quả không làm sạch theo tiêu chuẩn, vẫn còn sót vật thể lạ bên ngoài như cành cây, lá, con dệp, con sâu vướng lại trên sản phẩm... Như vậy, vô hình chung, chúng ta vi phạm vào kiểm dịch.

Doanh nghiệp chúng tôi cũng từng có những lô hàng mắc phải những lỗi như vậy trong khâu sơ chế, chế biến. Do người nông dân vô tình không làm sạch. Khi xuất khẩu đi, đến khi kiểm tra hàng để thông quan, họ phát hiện ra hàng hoá vẫn còn những vật thể lạ, đối tượng kiểm dịch, thì doanh nghiệp phải xử lý hoặc sản phẩm phải quay đầu lại.

Theo tôi, đó là những rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp, rủi ro về tài chính là một phần mà quan trọng hơn cả còn là thương hiệu. Bởi, việc xây dựng được chữ tín, niềm tin của thương hiệu tại các thị trường khó tính thường mất rất nhiều thời gian.

- Tại sao doanh nghiệp lại khó có thể giám sát được quy trình này, thưa ông?

Trước tiên, doanh nghiệp không thể giám sát 100% khâu sản xuất của bà con nông dân, hợp tác xã. Vì vậy, bắt buộc phải nâng cao ý thức sản xuất của người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu - đó là điều quan trọng nhất.

Để nâng cao được ý thức của người sản xuất thì cần đầu tư nhiều về hoạt động giám sát quá trình sản xuất trên đồng ruộng, nâng cao ý thức của người làm ra sản phẩm. Vì hiện nay, người sản xuất vẫn đang quen với cách thức sản xuất hàng hoá bình thường chứ chưa quen với các tiêu chuẩn hàng hoá xuất khẩu.

Vì vậy, khi chuyển đổi từ sản xuất hàng hoá thông thường, sang hàng hoá xuất khẩu gặp nhiều vướng mắc, với năng lực, trình độ của bà con nông dân thì cần có thời gian để tạo ra sự thay đổi về tư duy. Để thay đổi được tư duy thì cần có nhiều hoạt động liên quan đến đào tạo, tập huấn, đầu tư, nhà xưởng, trang thiết bị đóng gói… để một sản phẩm làm ra được kết hợp giữa yếu tố con người và sản phẩm phải nhuần nhuyễn với nhau. Bởi, nếu sản phẩm tốt, mà con người cẩu thả hoặc không có ý thức thì sẽ có nhiều sản phẩm lỗi.

- Bên cạnh khó khăn như ông vừa chia sẻ, lại có ý kiến lại cho rằng, không chỉ người nông dân, mà ngay cả doanh nghiệp cũng đều rất ít quan tâm đến các tiêu chuẩn cho nông sản, nhất là các tiêu chuẩn quốc tế. Vậy quan điểm của ôngnhư thế nào?

Tôi cho rằng, không thể nói doanh nghiệp không quan tâm đến tiêu chuẩn. Bởi mỗi khi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các thị trường mà doanh nghiệp hướng tới, họ phải tìm hiểu rất kỹ, mà trước tiên phải là các tiêu chuẩn.

Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu của chính quyền thị trường mà doanh nghiệp hướng tới, nếu không theo tiêu chuẩn, hàng hoá của doanh nghiệp sẽ bị out ngay. Vì vậy, doanh nghiệp phải tuân theo tiêu chuẩn trước tiên. Tuy nhiên, yếu tố “phải” ở đây nếu doanh nghiệp không kiểm soát được sẽ trở thành nạn nhân của sự cẩu thả và vô tiêu chuẩn của những người khác.

Vì vậy, mấu chốt nằm ở mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân, hợp tác xã. Mối liên hệ đó đã đủ sức mạnh, đủ tính liên kết, đủ tính bền vững để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt hay chưa? Đây mới chính là nút thắt cần được tháo gỡ.

- Mấu chốt của việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp, người nông dân và hợp tác xã là gì, thưa ông?

Thực ra bản thân doanh nghiệp cũng đang bị vướng. Một mối liên kết bền vững phải xuất phát từ mối quan hệ win – win, đôi bên cùng có lợi. Bao gồm, quyền lợi của hợp tác xã, bà con nông dân phải song hành với quyền lợi của doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp không thể kiểm soát tốt được mối quan hệ này thì mối quan hệ không có tính bền vững. Có thể năm nay tốt, tốt chẳng qua là do hàng hoá đang khan hiếm, hoặc giá cả đang cao. Tuy nhiên, mối quan hệ này sẽ không tốt cho sang năm nếu như có vấn đề gì đó phát sinh. Vì vậy, chúng ta phải tìm ra được giải pháp.

Thường thì, chúng ta đang liên kết ở giai đoạn cung cấp sản phẩm dịch vụ. Có thể là liên kết đầu vào, liên kết sản xuất, liên kết sản xuất đầu ra, tuy nhiên chúng ta đang thiếu yếu tố liên kết của chuỗi giá trị.

Chỉ khi có tính liên kết theo chuỗi giá trị, thì lúc đấy sản phẩm mới có tính giá trị cao, phần sản xuất chiếm tỷ lệ nhỏ trong việc hình thành giá của sản phẩm. Theo đó, giá trị gia tăng của các khâu khác mới cao, như bao bì, nhãn mác, công nghệ, thương hiệu, khách hàng thì chuỗi cung ứng mới phát huy được.

Khi chuỗi giá trị phát huy thì sản phẩm có được giá trị cao, khi sản phẩm có giá trị cao thì những người trong chuỗi giá trị được hưởng lợi nhiều, khi đó tính liên kết mới bền vững. Vì vậy, nếu chỉ là liên kết thuần tuý, đơn thuần cùng cung cấp sản phẩm dịch vụ hay mua bán các sản phẩm thì rất khó tạo được tính liên kết chặt, bền vững giữa doanh nghiệp, người dân, và hợp tác xã.

- Kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng được chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, người dân và hợp tác xã là như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, muốn xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ, bền vững, thì phải xuất phát từ doanh nghiệp trước tiên. Doanh nghiệp vẫn phải là đơn vị đầu mối tìm kiếm nhu cầu của thị trường. Chuỗi giá trị phải dựa trên nhu cầu của xã hội, nhu cầu đó phải xuất phát từ những thị trường mà doanh nghiệp hướng tới để xuất khẩu.

Khi đã có thị trường rồi, chúng ta quay ngược lại bài toán, chúng ta sản xuất như thế nào để đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường đó. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tập huấn người nông dân và kiểm soát tốt khâu sản xuất.

Vấn đề ở đây là, ai sẽ là người tìm ra nhu cầu. Nếu doanh nghiệp cứ tập trung hết nguồn lực vào việc đi tìm kiếm nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu thì rất khó. Trong khi, nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì rất hạn chế. Người ta phải tìm kiếm nhiều cách, dòng tiền khác để duy trì hoạt động doanh nghiệp, vì làm nông nghiệp rất rủi ro. Vì vậy, nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc tìm kiếm nhu cầu thị trường sẽ lơ là việc sản xuất, đầu tư vào những khâu khác của chuỗi giá trị.

- Như vậy, ai sẽ là người, đơn vị nào sẽ cung cấp những thông tin như vậy?

Bắt buộc cần phải có những tổ chức có những báo cáo về nhu cầu thị trường, cung cấp một cách cởi mở cho doanh nghiệp trong nước. Để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường, tìm kiểm sản phẩm phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp, tạo ra giá trị cho sản phẩm doanh nghiệp.

- Vậy thưa ông, doanh nghiệp đang khai thác những thông tin như vậy ở đâu?

Hiện nay, cũng chưa có nhiều doanh nghiệp có đủ tiềm lực tìm kiếm khách hàng, mà vẫn chủ yếu là vẫn phụ thuộc vào khách hàng nhỏ lẻ.

Ngoài ra, cũng chưa có tổ chức độc lập nào chuẩn hoá việc cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp, mặc dù hiện nay đã có nhiều cuộc kết nối với các bên đối tác. Tuy nhiên, những buổi này vẫn chỉ dừng ở mức độ gặp gỡ nhau, chưa thể đi sâu vào được.

Trong khi đó, điều doanh nghiệp cần là một nghiên cứu khả thi về thị trường, từ con người, dân số, mức tiêu dùng, đối tác, số lượng tiêu thụ hàng hoá hàng năm… của thị trường tiềm năng. Những thông tin này phải có tổ chức cung cấp, thì khi đó, doanh nghiệp mới biết được rằng, với thị trường như vậy.

Ví dụ, mặc dù chúng ta biết rằng thị trường Úc có nhu cầu về sản phẩm xoài, tuy nhiên, doanh nghiệp không biết được rằng, hiện nay liên quan đến sản phẩm này, có bao nhiêu nhà cung cấp đang cung cấp mặt hàng này vào thị trường Úc, bao gồm cả trong nước và xuất khẩu, giá cả ra sao, diện tích trồng xoài của Úc là bao nhiêu, Mexico là bao nhiêu? Nhu cầu xoài chính vụ hay trái vụ của Việt Nam sang? Tiềm năng trái cây Việt xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm xoài sang Úc là có, tuy nhiên tổng thị trường Úc là khoảng bao nhiêu, và doanh nghiệp Việt Nam có thể vào được và chiếm được bao nhiêu trong tổng số đó?

Tôi nghĩ đây là những thông tin quan trọng, cung cấp cho việc hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam.

- Xin cám ơn ông!

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp