Tin tức

Xuất khẩu sang Mỹ: Tôm hân hoan, cá tra chật vật

15/05/2019    1245

Tôm và cá tra là hai trong số những loại thủy sản được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng nhất. Tính hết tháng 3/2019, thị trường Mỹ chiếm tới 53.5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), năm 2018 chứng kiến nhiều thăng trầm của các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng.

Rộng cửa cho tôm Việt Nam vào Mỹ

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố sơ bộ mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với 31 doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế 0%.

Theo đó, DOC kết luận các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Sao Ta (Fimex VN) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 - 31/1/2018.

Do đó, DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty bị đơn bắt buộc là 0%, 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên nên cũng được hưởng mức thuế 0%.

Năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam sẽ phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu đạt mức 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm phấn đấu đạt 4,2 tỷ USD. Nói về mục tiêu này, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, với mục tiêu của ngành và tiềm năng lớn sẵn có chưa được phát huy hết, bên cạnh các cơ hội tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước hiệu lực.

Để đạt được chỉ tiêu trên, cần tập trung nâng cao sức cạnh tranh của tôm Việt Nam, giải quyết các vấn đề về chất lượng theo chứng nhận quốc tế, định vị lại theo hướng tích cực đối với các thị trường tiềm năng của tôm Việt Nam.

Ông Hòe nhận định: “Đối với thị trường Mỹ, hiện nay chúng ta đang phải tập trung giải quyết 2 vấn đề. Một là vấn đề sức cạnh tranh của tôm Việt Nam tại thị trường này với các quốc gia khác, ví dụ như Ấn Độ đang trở thành một quốc gia cạnh tranh rất lớn về giá cả, cho nên trên cơ sở phải tìm một điểm khác biệt, từ đó chúng ta tạo được sức cạnh tranh mới. Trong đó chúng tôi chọn chương trình truy xuất nguồn gốc, sẽ trở thành một mục tiêu cần phải phấn đấu trong năm nay, để trên cơ sở có thể có được một sự khác biệt đối với các sản phẩm tôm trên thị trường”.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để đạt mục tiêu này, ngành tôm cần tập trung vào các giải pháp, đầu tiên và quan trọng nhất là hình thành chuỗi sản xuất khép kín, mà trước hết là tuyên truyền vận động nông dân vào hợp tác xã, thực hiện liên kết với doanh nghiệp. Tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi từ giống, thức ăn cho tới xử lý môi trường.

Tương lai khó khăn cho thị trường cá tra?

Đối lập với thị trường tôm, cá tra vẫn chật vật trên con đường tìm chỗ đứng ổn định của mình tại thị trường Mỹ. Theo số liệu của Bộ Công thương, tháng 4/2019, giá cá tra nguyên liệu ổn định ở mức 24.000 - 25.500 đ/kg, giảm 3.500 - 4.500 đ/kg so với cùng kỳ năm trước. Tuần kết thúc ngày 25/4/2019, giá tôm sú cỡ 20 con/kg tăng trở lại sau khi giảm nhẹ tuần trước đó; giá tôm thẻ chân trắng tăng nhẹ.

Theo báo cáo, trước thời điểm Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết luận chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 -31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm. 

Tính đến hết tháng 3/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 472,2 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong thời gian này, mức tăng trưởng dương này đạt được là nhờ mức tăng tại EU, ASEAN, Mexico và một số thị trường đơn lẻ khác.

Với thị trường Mỹ, 2 tháng (tháng 2 và 3/2019) giá trị xuất khẩu sang thị trường này giảm lần lượt 22,8% và 44,4%. Do đột ngột giảm mạnh nên Mỹ vốn được dự báo trở lại thị trường xuất khẩu hàng đầu của doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 3 (sau EU) đạt 71,16 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 15,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong quý 1/2019.

Bộ Công thương cho biết, trên thực tế, trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Mỹ (chiếm thị phần khoảng 80%), có 2 doanh nghiệp xuất khẩu lớn và nhiều nhất là Vĩnh Hoàn và Biển Đông đều không thuộc phạm vi rà soát của POR14 và được hưởng mức thuế suất của các đợt rà soát trước đó là 0%.

Trong khi đó, có 5 đơn vị chịu mức thuế 1,37 USD/kg, gồm NTSF Seafoods Joint Stock Company; C.P Vietnam Corporation; Cuu Long Fish Joint Stock Company; Green Farms Seafood Joint Stock Company và Vinh Quang Fisheries Corporation.

Với kết quả như nêu trên, doanh nghiệp đang phải chịu áp lực rất lớn về thuế chống bán phá giá tăng so với kết quả sơ bộ được công bố trước đó. Chẳng hạn, so với kết quả sơ bộ, thì mức thuế cuối cùng của Hùng Vương tăng đến 3,87 USD/kg (mức thuế sơ bộ của Hùng Vương là 0 USD/kg).

Về mặt lý thuyết, khi thuế chống bán phá giá tăng sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn cho việc chinh phục thị trường Mỹ của doanh nghiệp. Thế nhưng, ông Văn cho rằng, với kết quả như nêu trên, thì Vĩnh Hoàn và Biển Đông vẫn sẽ khai thác tốt thị trường Mỹ.

“Và tình hình này (có hai doanh nghiệp có mức thuế thấp để xuất khẩu vào Mỹ-PV) vẫn tốt hơn khi có nhiều doanh nghiệp cùng xuất khẩu vào Mỹ’, ông Hoà cho biết và giải thích nếu thuế giảm sẽ có khoảng 7 công ty xuất vào Mỹ, thì qua đó họ sẽ cạnh tranh phá giá, không chỉ ảnh hưởng ở thị trường Mỹ mà còn tác động đến cả các thị trường khác.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp