Tin tức

Không còn nhiều dư địa cho ngành da giày trong CPTPP và EVFTA

26/04/2019    229

Cơ hội mà ngành da giày có được khi các CTPP và EVFTA có hiệu lực sẽ không được như kỳ vọng bởi những vấn đề nội lực của doanh nghiệp áp lực cạnh tranh.

Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn cho biết, ngành da giày tham gia hội nhập sâu từ những năm 1996, kim ngach xuất khẩu liên tục tăng 15% mỗi năm, luôn giữ thứ bậc thứ 2- thứ 3 top đầu thế giới, trên 400 tỷ USD. “Đây là dung lượng thị trường cực lớn và là lợi thế của một ngành giải quyết đọc nhiều vấn đề xã hội. 60% nguyên liệu đã được các doanh nghiệp phụ trợ trong nước cung cấp”, ông Thuấn cho biết.

Đặc biệt, với hai Hiệp định Thương mại CPTPP và EVFTA được kỳ vọng mang bước chuyển lớn cho ngành tuy nhiên thực tế không giống như kỳ vọng.

Tăng trưởng không như kỳ vọng

Thực tế, với CPTPP, mặc dù các sản phẩm giày dép, túi xách Việt Nam... xuất sang 10 quốc gia khu vực CPTPP sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay lập tức, nhưng tổng dung lượng thị trường khu vực này chỉ chiếm khoảng 11% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giày, túi xách.

Hơn nữa, trong 10 nước thành viên CPTPP, Việt Nam đã ký FTA với 7 quốc gia, chỉ chưa ký với Mexico, Canada và Agrentina. Giả sử ngành da giày, túi xách đạt mức tăng trưởng 10% trong khu vực CPTPP, kim ngạch xuất khẩu từ khu vực này đóng góp cho cả ngành da giày, túi xách cũng chỉ tăng được 1%.

“Nói như thế để có thể khẳng định rằng CPTPP không thể tạo nên những cú biến chuyển lớn như mọi người vẫn nghĩ. Cá nhân tôi cũng thấy rằng khu vực CPTPP khó đạt mức tăng trưởng 10% vì Việt Nam đã có FTA với 7 quốc gia còn lại, ngoại trừ ba nước chưa có như trên đã nói”, đại diện Hiệp hội Da giày – Túi xách nhấn mạnh.

Với EVFTA, lộ trình giảm thuế về 0% sau 7 năm, nhưng ngay từ năm đầu tiên đã có khoảng 37% số dòng sản phẩm da giày được đưa về mức 0%, phần còn lại giảm dần sau 3-7 năm. Thế nhưng tỉ lệ sản phẩm da giày xuất khẩu sang EU của Việt Nam đều nằm trong các dòng sản phẩm được hưởng mức thuế suất 3-7 năm, túi xách được hưởng ngay thuế suất 0% mà không cần lộ trình giảm.

“Tuy nhiên, sản phẩm da giày Việt Nam đang được EU cấp quy chế GSP với mức thuế suất dao động dưới 8%. Nhưng khi thực thi EVFTA, EU sẽ mặc nhiên bỏ GSP ngay. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nào đạt yêu cầu theo quy định của EVFTA sẽ được hưởng ngay mức thuế suất thấp. Ngược lại sẽ phải chịu mức thuế cao, chứ không được hưởng quy chế GSP nữa”, ông Thuấn cho biết.

EU hiện chiếm 32% thị trường xuất khẩu từ Việt Nam. Và do còn được hưởng GSP từ năm 2014 nên mức tăng trưởng ở thị trường này cũng chỉ 5-6% khi EVFTA thực thi, mang về tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành từ thị trường này thêm khoảng 3%/năm.

Cùng với đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách, trong bối cảnh lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công không còn, đồng thời sự dịch chuyển của các nhà cung ứng theo hướng “không bỏ trứng vào một giỏ”, ngành da giày sẽ gặp nhiều khó khăn”. Vấn đề cạnh tranh từ các quốc gia là Trung Quốc, Bangladesh hay Indonesia cũng là vấn đề.

Do đó, Chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp phải tận dụng được tỉ lệ hàm lượng giá trị trong khu vực (regional value content - RVC) đối với hai hiệp định nói trên, tức phải biết sử dụng nguyên liệu từ các nước thành viên trong CPTPP lẫn EVFTA khi sản xuất nhằm đạt yêu cầu theo quy định nếu muốn được hưởng thuế suất thấp.

Sản xuất và quản lý trên nền tảng số

Nhưng điều này cũng sẽ không dễ dàng bởi năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ cơ bản đáp ứng được các điều kiện cần. Để đáp ứng được các điều kiện đủ còn nhiều vấn đề phải giải quyết cấp Chính phủ.

Cụ thể, Hiệp hội da giày kiến nghị, thứ nhất Chính phủ cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, làm sao các thành phố lớn có trung tâm kho vận logicstic và nghiên cứu công nghiệp phụ trợ.

Thứ hai, đào tạo lực lượng chuyên gia về thiết kế, nghiên cứu phát triển, quản lý sản xuất trong nước thay chuyên gia nước ngoài. “Tổng cục dạy nghề cùng trường học và doanh nghiệp xây dựng mô hình đào tạo sát thực tế, theo đúng nhu cầu thị trường”, ông Thuấn nhấn mạnh.

Thứ ba, Bộ KHCN định hướng và đầu tư đúng mức cho ngành quản lý trên nền tảng số và sản xuất trên nền kỹ thuật cao, bởi theo Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, chỉ có tăng năng suất tổng hợp mới giúp ngành có thể cạnh tranh và bền vững được. 

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp