Tư vấn về mở cửa thị trường dịch vụ lĩnh vực vận tải biển nội địa

10/04/2019    1428

Câu hỏi: 

1. Hiện nay, hạng mục vận tải biển nội địa có phải chưa cho nước ngoài khai thác mà chỉ công ty 100% vốn Việt Nam được khai thác? 
2. Lộ trình đến bao giờ mới cho các công ty/tàu nước ngoài khai thác vận tải biển nội địa?

Trả lời: 

1. Về các cam kết của Việt Nam liên quan tới việc mở cửa thị trường dịch vụ vận tải biển nội địa cho các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư nước ngoài

Việt Nam hiện chưa có bất kỳ cam kết mở cửa dịch vụ thị trường vận tải biển nội địa của Việt Nam cho nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ nước ngoài. Cụ thể:

    • Cam kết mở cửa trong WTO: Việt Nam chưa có cam kết liên quan đến lĩnh vực vận tải biển nội địa (bao gồm cả vận tải hành khách và hàng hóa) trong WTO.
    • Cam kết mở cửa trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA): Tương tự WTO, trong EVFTA, Việt Nam cũng không có cam kết liên quan đến lĩnh vực vận tải biển nội địa (bao gồm cả vận tải hành khách và hàng hóa). Do đó, khi EVFTA có hiệu lực (hiện Hiệp định này đã hoàn tất đàm phán nhưng chưa ký, chưa phê chuẩn, chưa có hiệu lực), các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư nước ngoài từ các nước EU không có thêm lợi thế nào trong tiếp cận thị trường dịch vụ này so với các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư từ các nước khác trong WTO.
    • Cam kết mở cửa trong Hiệp định CPTPP: Theo Danh mục các biện pháp không tương thích về dịch vụ và đầu tư của Việt Nam (ANNEX II – VIET NAM – 27) thì Việt Nam bảo lưu toàn bộ các biện pháp không tương thích về dịch vụ qua biên giới và đầu tư đối với lĩnh vực vận tải biển nội địa. Do đó trong CPTPP Việt Nam cũng không mở hơn so với WTO.
    • Cam kết mở cửa trong ASEAN (Gói cam kết thứ 10 của AFAS dự kiến có hiệu lực năm 2019): Tương tự WTO, trong gói cam kết mới nhất của AFAS, Việt Nam cũng không có cam kết liên quan đến lĩnh vực vận tải biển nội địa (bao gồm cả vận tải hành khách và hàng hóa).

Với việc chưa có bất kỳ cam kết mở cửa nào, Việt Nam có quyền tự do quyết định việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này theo mức độ, cách thức, thời điểm mà Việt Nam thấy thích hợp mà không bị ràng buộc nào. Cũng không có lộ trình bắt buộc nào cho việc mở cửa của Việt Nam. (Các) Quyết định mở cửa lĩnh vực vận tải biển nội địa của Việt Nam được thể hiện trong quy định của pháp luật nội địa từng thời kỳ.

Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này cần xem xét quy định pháp luật nội địa của Việt Nam để xác định mức độ mở cửa và các điều kiện liên quan của Việt Nam tại thời điểm muốn đầu tư.

2. Về quy định pháp luật nội địa hiện hành liên quan tới mở cửa thị trường vận tải biển nội địa

Quy định về điều kiện kinh doanh, điều kiện đầu tư vận tải biển nội địa hiện tập trung tại các văn bản:

    • Bộ luật hàng hải 2015
    • Nghị định 160/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển
    • Nghị định 147/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải
    • Thông tư 50/2016/TT-BGTVT về thủ tục cấp giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài, sửa đổi bởi Thông tư 48/2018/TT-BGTVT

Theo các văn bản này thì hiện Việt Nam đã mở cửa có điều kiện cho tổ chức nước ngoài/FDI tham gia vận tải biển nội địa theo 02 trường hợp (với các mức độ mở cửa và điều kiện khác nhau):

    • Doanh nghiệp FDI (vốn nước ngoài đến 49%) cung cấp dịch vụ vận tải biển nội địa bằng tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam (xem trích dẫn quy định ở Hộp 1): Điều kiện kinh doanh không cần Giấy phép
    • Tổ chức nước ngoài (không cần thành lập FDI ở Việt Nam) cung cấp dịch vụ vận tải biển nội địa bằng tàu mang quốc tịch nước ngoài (xem trích dẫn quy định ở Hộp 2): Giấy phép hoạt động cấp theo năm hoặc theo chuyến

Hộp 1 – Doanh nghiệp FDI kinh doanh dịch vụ vận tải biển nội địa bằng tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam

Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGTVT (NĐ 160 và 147) quy định điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển

Điều 4. Điều kiện chung về kinh doanh vận tải biển

Là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải biển được thành lập theo quy định của pháp luật (sau đây viết tắt là doanh nghiệp).

Điều 6. Điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển nội địa

Ngoài quy định tại Điều 4 Nghị định này, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển nội địa còn phải đáp ứng điều kiện sau đây:

Có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu 01 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Điều 7. Điều kiện đối với tổ chức nước ngoài tham gia vận chuyển nội địa bằng tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam

1. Tổ chức nước ngoài tham gia vận tải nội địa bằng tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp liên doanh theo quy định, trong đó tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

2. Thuyền viên nước ngoài được phép làm việc trên tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hoặc tàu biển được đăng ký tại Việt Nam thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam nhưng tổng số thuyền viên nước ngoài không được vượt quá 1/3 định biên của tàu biển; đồng thời, thuyền trưởng hoặc thuyền phó nhất của tàu biển đó phải là công dân Việt Nam.

Xem văn bản đầy đủ tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Van-ban-hop-nhat-07-VBHN-BGTVT-2018-kinh-doanh-van-tai-bien-kinh-doanh-dich-vu-dai-ly-tau-bien-406266.aspx

 

Hộp 2 – Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vận tải nội địa bằng tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài

Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BGTVT (TT 50 và 48) quy định thủ tục cấp giấy phép vận tải nội địa cho tàu biển nước ngoài

Điều 4. Thẩm quyền cấp Giấy phép vận tải biển nội địa

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép vận tải biển nội địa trong các trường hợp sau đây:

a) Vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng hoặc các loại hàng hóa khác bằng tàu biển chuyên dùng; giải tỏa hàng hóa, hành khách và hành lý bị ách tắc tại cảng khi tàu biển Việt Nam không đủ khả năng vận chuyển;

b) Để phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh hoặc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

2. Giám đốc Cảng vụ Hàng hải cấp Giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài vận chuyển hành khách, hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại bằng phương tiện trung chuyển của tàu khách đó.

Điều 5. Thời hạn của Giấy phép vận tải biển nội địa

1. Thời hạn của Giấy phép vận tải biển nội địa là 01 (một) năm được áp dụng đối với các trường hợp như sau:

a) Tàu biển phục vụ 01 (một) cơ sở sản xuất hàng hóa;

b) Loại tàu biển mà đội tàu biển Việt Nam chưa có.

2. Thời hạn của Giấy phép vận tải biển nội địa là 06 (sáu) tháng được áp dụng đối với các loại tàu biển khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong trường hợp doanh nghiệp đề xuất thời hạn cho tàu biển nước ngoài vận tải biển nội địa, thời hạn của Giấy phép vận tải biển nội địa được cấp theo đề nghị của doanh nghiệp nhưng không quá 01 (một) năm đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, không quá 06 (sáu) tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thời hạn của Giấy phép vận tải biển nội địa theo chuyến được áp dụng đối với tàu biển vận chuyển hành khách, hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại.

Xem văn bản đầy đủ tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Van-ban-hop-nhat-04-VBHN-BGTVT-2018-cap-Giay-phep-van-tai-bien-noi-dia-cho-tau-bien-nuoc-ngoai-398675.aspx