Tin tức

Tác động thuế xe ô tô của Hoa Kỳ với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc

22/03/2019    559

Chuyên gia kinh tế đứng đầu WTO, Robert Koopman, cho biết thuế quan của Mỹ đối với ngành công nghiệp ô tô sẽ có “ảnh hưởng lớn hơn nhiều” đối với nền kinh tế toàn cầu hơn là đối với cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tổng giá trị thương mại toàn cầu trong năm 2017 đạt 22 nghìn tỉ đô la Mỹ, trong đó thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ chiếm 3% (660 tỉ đô la Mỹ), so với 8% (1,76 nghìn tỉ đô la Mỹ) đối với ngành công nghiệp ô tô bao gồm cả linh kiện.

Ông Koopman cho biết, tác động của cuộc chiến thương mại trong lĩnh vực xe ô tô có thể sẽ ảnh hưởng rộng rãi hơn là tác động của một cuộc chiến tranh thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng xe ô tô toàn cầu rất lớn và phức tạp, với nhiều linh kiện được sản xuất ở Trung Quốc trước khi được chuyển sang các quốc gia khác để lắp ráp thành những chiếc xe hoàn chỉnh.

Trong khi Trung Quốc hiện đang là thị trường mua và sản xuất xe ô tô lớn nhất trên thế giới thì phần lớn các phương tiện của nước này lại được sản xuất cho việc tiêu thụ nội địa – thậm chí còn không lọt top 15 nước xuất khẩu xe hoàn chỉnh.

Ông Koopman cảnh báo rằng thuế quan sẽ gây ra “ảnh hưởng tiêu cực” lên chuỗi cung ứng và tới người tiêu dùng muốn mua xe.

“Nếu thuế quan được áp dụng đối với xe ô tô, nó sẽ gây ra một sự ảnh hưởng tiêu cực. Nó sẽ làm tăng một số hoạt động trong nước(tại Mỹ), nhưng với chi phí cao hơn và ít sự lựa chọn hơn”, ông Koopman trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post ở Hong Kong tuần này.

“Người tiêu dùng sẽ ngày càng chịu thiệt nhiều hơn, một số công nhân và công ty nội địa có thể sẽ hưởng lợi, một vài công ty sẽ thua lỗ.”

Ông cho biết thêm, trong khi hiệu ứng ròng - tổng giá trị thương mại toàn cầu thực tế bị mất bởi thuế quan - sẽ là “tương đối nhỏ”, thì niềm tin đối với thị trường chắc chắn sẽ bị sứt mẻ.
Giống như trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, phản ứng dây chuyền lên đầu tư là điều chắc chắn sẽ xảy ra, và có thể dẫn tới những sự phân nhánh lớn đối với kinh tế toàn cầu.

Koopman cho rằng: “Những thách thức lớn hơn sẽ là các doanh nghiệp lên tiếng: “Tôi không biết phải làm gì với khoản đầu tư tiếp theo của mình”, người tiêu dùng thì nói: “Tôi không chắc có nên mua xe vào thời điểm này hay không, bởi vì chuỗi cung ứng tự động khá là phức tạp nên tôi có thể sẽ mất việc.”

“Mối nguy hiểm lớn đối với loại thuế quan này là chúng khiến cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng ngưng việc chi tiêu, dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn đối với nền kinh tế vĩ mô.”
Ngày 18 tháng 2 năm 2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã gửi báo cáo tới Nhà trắng khuyến nghị tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên xe ô tô nhập khẩu.

Doanh số bán xe của Trung Quốc trong tháng 1 giảm xuống thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Nghiên cứu này là một phần của cuộc điều tra Mục 232 (Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962) đối với các mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia Mỹ. Mục 232 cũng bao gồm những điều khoản giống như những điều khoản liên quan đến việc áp thuế đối với sản phẩm thép và nhôm vào năm ngoái.

Tổng thống Donald Trump có 90 ngày để quyết định liệu có áp thuế đối với mặt hàng xe ô tô nhập khẩu hay không, tuy nhiên ngành công nghiệp xe ô tô của Mỹ đã cảnh báo rằng hành động này có thể sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ.

Trong một báo cáo hồi tháng 2, Trung tâm nghiên cứu Xe hơi đã chỉ ra rằng nếu xe ô tô và linh kiện nhập khẩu bị áp thuế, trừ những sản phẩm được nhập khẩu từ Canada, Mexico và Hàn Quốc, những nước mà Mỹ đã tái đàm phán thỏa thuận thương mại gần đây thì 366.900 người có thể sẽ bị mất việc làm.

Hơn thế nữa, giá xe ô tô và xe tải hạng nhẹ sẽ tăng trung bình 2750 đô la mỹ và theo như bản báo cáo này thì “nhiều người tiêu dùng sẽ buộc phải chuyển sang thị trường xe cũ”.
Koopman so sánh tình hình có khả năng xảy ra với việc áp thuế lên mặt hàng thép, đã gây ảnh hưởng nhỏ trực tiếp lên nền kinh tế Mỹ, nhưng đã có “tác động tái phân bổ lớn lên các công ty sử dụng phần lớn thép trong sản phẩm của họ.”

Ví dụ, nhều công ty đã chịu chi phí xây dựng cao hơn bởi thuế áp lên mặt hàng thép, bao gồm 2 công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy hóa chất tại Louisiana.

Wanhua, Giám đốc sản xuất của một trong những công ty này, đã chia sẻ với truyền thông Mỹ rằng mức thuế này sẽ cộng thêm “mười triệu” đô la Mỹ lên chi phí xây dựng bởi họ đã sử dụng thép nhập khẩu từ Trung Quốc để tạo nên các bộ phận chính trong nhà máy.

Các công ty hoặc là phải mua thép từ các nước bán sản phẩm đắt hơn, hoặc là tiếp tục mua theo kế hoạch đã đặt ra và trả thêm thuế, nhưng dù bằng cách nào đi chăng nữa thì chi phí vẫn cao hơn.

Vào năm 2009, tổng thống Mỹ Barack Obama áp thuế lên mặt hàng lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc, một trường hợp mà được Koopman so sánh như là một cuộc chiến có khả năng xảy ra trong ngành ô tô.

Trong khi Obama cho rằng 1200 việc làm tại Mỹ đã được cứu giữ, thì theo như nghiên cứu vào năm 2012 bởi Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, mỗi việc làm này đã tiêu tốn nền kinh tế của Mỹ 900.000 đô la Mỹ.

Báo cáo chỉ ra rằng: “Tổng chi phí đánh vào người tiêu dùng Mỹ do giá cao hơn từ thuế tự vệ lên mặt hàng lốp xe Trung Quốc là khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2011. Chỉ có một phần rất nhỏ trong con số này rơi vào túi của các công nhân sản xuất lốp xe. Thay vào đó, phần lớn số tiền này rơi vào túi của các công ty sản xuất lốp xe, chủ yếu là công ty nước ngoài nhưng cũng có một vài công ty nội địa”

Nhiều người cho rằng mục đích của cuộc chiến thương mại này đứng từ góc nhìn của Nhà trắng là nhằm giảm thiểu hoặc đảo ngược thâm hụt ngân sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Liệu tăng lượng bán xe có khích lệ được nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm chạp?

Tuy nhiên, Koopman nói rằng điều này không thể đạt được một khi những vấn đề vĩ mô vẫn còn tồn tại một phần do sự thiếu cân bằng về mặt dự trữ giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Đây là kinh tế vĩ mô, đây là tiết kiệm và đầu tư”, Koopman nói.

Tỉ lệ tiết kiệm của Trung Quốc tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội là 47,01% vào năm 2017, nằm trong top 5 cao nhất thế giới, theo Ngân hàng Thế giới.

Tỉ lệ của Mỹ là 18,07%, thấp hơn Afghanistan, Đông Timor  và Lào. Các quốc gia với tỉ lệ tiết kiệm cao – Trung Quốc, Đức, Nhật – thường có tỉ lệ thặng dư thương mại cao, người tiêu dùng tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn.

"Nếu Mỹ giảm việc nhập khẩu từ Trung Quốc thì họ sẽ nhập khẩu từ nước khác. Nếu Mỹ không giải quyết được thâm hụt dự trữ và cân đối, thì sẽ chỉ là giải pháp đối phó bề mặt, cố gắng loại trừ vấn đề nhỏ cứ xuất hiện bất ngờ và liên tục xoay vòng này”, Koopman nói, cần thiết phải có một sự thay đổi về hành vi tiêu dùng tại Mỹ, bởi vì việc áp thuế đối với các mặt hàng của Trung Quốc sẽ không có hiệu quả.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ lâu đã bị chỉ trích là “chỉ biết nói”  vì đã không đạt được mục tiêu bao trùm của một thỏa thuận thương mại toàn cầu, với  Vòng đàm phán Doha có mục tiêu đạt được điều đó đã bị  hủy bỏ vào năm 2015 sau 14 năm đàm phán.

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ đưa nước Mỹ rút khỏi WTO và đã ngăn chặn việc tái bổ nhiệm các thẩm phán cho cơ quan phúc thẩm, dẫn đến việc tổ chức này đang rơi vào tình thế xấu đi.

Koopman nói rằng chức năng giải quyết  tranh chấp của tổ chức này là “vô cùng quý giá” và đại diện thương mại của Mỹ, Robert Lighthizer, một người chỉ trích WTO, đã nói: “Tôi đã nói điều này trước đây rồi, nếu chúng ta không có nó thì chúng ta sẽ tạo ra nó.”

“Có một thách thức đối với tiến độ cho các cuộc đàm phán, nhưng để đánh giá chức năng của WTO bị rối loạn thì thực sự là cường điệu hóa bởi WTO cần thời gian để giải quyết những vấn đề này ”, Koopman nói.

“Liệu có sự đổ lỗi ở đây? Chắc chắn là có. Mỹ mong đợi gì khi muốn rút khỏi WTO? Mỹ cần phải đưa ra một chương trình nghị sự rõ ràng”, ông ta nói, và cho rằng kể cả WTO có được cải tổ, “thì họ cũng sẽ không bao giờ có thể làm dịu đi tất cả mọi chỉ trích.”

Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại, theo Reuters