Tin tức

Rau, quả Việt: Tìm đường chính ngạch sang Trung Quốc

06/03/2019    413

Trung Quốc vốn là thị trường lớn nhất của rau, quả Việt Nam, nhưng do chủ yếu giao thương qua đường tiểu ngạch nên còn gặp rất nhiều rủi ro.

Doanh nghiệp chủ động

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2018, Việt Nam xuất khẩu (XK) 1,78 tỷ USD mặt hàng rau, quả, trái cây sang thị trường Trung Quốc, chiếm trên 70% tỷ trọng XK mặt hàng này. Tuy nhiên, con số này còn rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường Trung Quốc và Việt Nam hiện mới có 8 loại trái cây được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này.
Tại Hội thảo "Cung cấp thông tin thị trường và Phát triển XK chính ngạch nông sản sang thị trường Trung Quốc" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, ông Shi Xin Biao - chuyên gia thị trường đến từ Trung Quốc - cho hay: Rau, quả của Việt Nam rất đa dạng về chủng loại, phù hợp với thói quen tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội tốt nếu DN Việt Nam chủ động tìm hiểu nhu cầu, đẩy mạnh XK sản phẩm phù hợp.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm giao thương với DN Trung Quốc, ông Phạm Ngọc Thức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón FUSA - chia sẻ: XK nông sản sang Trung Quốc có nhiều điểm thuận lợi, chi phí vận chuyển thấp. Tuy nhiên, trong các giao dịch, DN trong nước nên ủy quyền cho 1 đơn vị trung gian; xin thông tin cá nhân và có chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo; tham gia các hội chợ để tìm kiếm khách hàng. Đặc biệt, các DN liên kết tạo thành mạng lưới cùng hỗ trợ, đáp ứng các đơn hàng lớn, tận dụng hệ thống kho lạnh và tiếp thị sản phẩm và tìm kiếm nguồn hàng.

Bắt kịp chính sách

Trung Quốc vốn là thị trường XK rau, quả, trái cây truyền thống của Việt Nam. DN trong nước cho rằng, đây là thị trường dễ tính nhưng trên thực tế, người tiêu dùng Trung Quốc đã bắt đầu khó tính hơn trong sử dụng các mặt hàng nông sản.

Tháng 12/2018, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo khẩn, yêu cầu rõ ràng về các hạng mục kiểm dịch hoa, quả xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1/1/2019, rau, quả, trái cây của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật, trong đó phần phụ lục có ghi tên hoặc mã số của cơ sở đóng gói. Bao bì sản phẩm phải được ghi rõ tên, xuất xứ cũng như mã vạch, QR bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc…

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, sự thay đổi về chính sách cho thấy, Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt quản lý hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Đây cũng là một phương thức thực hiện chủ trương quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch của chính phủ 2 nước.

"Các DN Việt Nam buộc phải chủ động nắm bắt và đáp ứng các quy định trong chính sách xuất nhập khẩu mới của Trung Quốc, nếu muốn tiếp tục XK nông sản vào thị trường này" - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Để tạo thuận lợi cho DN, các cơ quan chức năng của 2 nước đã cho phép đưa kênh 1 cửa (áp dụng với các sản phẩm nông nghiệp) tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đi vào sử dụng trong năm 2019. Theo đó, 2 khâu kiểm tra hải quan và kiểm định sẽ được ghép lại thành 1, rút ngắn đáng kể thời gian thông quan, tránh tồn đọng các mặt hàng tươi sống.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - khuyến cáo:

Trung Quốc có nhiều trái cây, rau, quả giống Việt Nam, đặc biệt là quả Thanh Long, do vậy DN sản xuất trong nước cần theo dõi kỹ mùa vụ để tránh trùng và ứ đọng sản phẩm.

Nguồn: Báo Công thương