Tin tức

Ngành sữa cạnh tranh khốc liệt vì CPTPP

18/01/2019    1279

Các thương hiệu sữa của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt về giá với các đối thủ ngoại ngay trên chính sân nhà bởi Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực, kéo thuế nhập khẩu sản phẩm sữa từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản về 0%.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng các thương hiệu sữa của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt về giá với các đối thủ ngoại ngay trên chính sân nhà.

Hiệp định CPTPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu sản phẩm sữa từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản sẽ cắt giảm xuống còn 0% khiến các dòng sản phẩm này tăng khả năng cạnh tranh về giá.

Quan sát trong số 10 nước tham gia CPTPP thì đã có đến 4 nước xuất khẩu sữa sang thị trường Việt Nam với giá trị lớn như New Zealand, Australia, tiếp đến là Singapore, Nhật Bản
Riêng với sữa được nhập khẩu từ New Zealand, chưa cần đến khi CPTPP có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu sữa từ thị trường này đã được giảm về 0% từ năm 2018, trên cơ sở thỏa thuận của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA).

Như vậy, một trong số những lợi ích mà CPTPP mang lại, có thể thấy ưu điểm lớn nhất của CPTPP đối với Việt Nam nói riêng và các nước còn lại nói chung là thuế suất các loại hàng hóa sẽ dần tiến tới 0%, trong đó có mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa.

Nếu theo lộ trình thì có thể trong vòng 7 năm tới, các loại sữa được nhập khẩu từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản… sẽ rẻ hơn nữa.

Thực tế, chưa cần chờ đến CPTPP có hiệu lực, sác sản phẩm sữa của nhiều cường quốc về sữa như Úc, New Zealand, Nhật và châu Âu… đã có mặt tại Việt Nam.

Giám đốc Điều hành Công ty CP Sữa Việt Nam cho rằng, thách thức với các doanh nghiệp sữa là rất nghiêm trọng, bởi Việt Nam có thời tiết khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, rất không phù hợp cho chăn nuôi bò sữa. Giá thành sản phẩm cao, khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm ngoại từ Australia, New Zealand...

"Các doanh nghiệp nước ngoài, các nước phát triển họ rất năng động. Họ có đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính, hệ thống quản trị rất tốt. Ngay cả khi FTA còn chưa có hiệu lực thì họ đã từng bước xâm nhập thị trường Việt Nam", đại diện Vinamilk cho biết.

Đến khi FTA có hiệu lực thì hàng hóa, sản phâm, dịch vụ của nước ngoài đã tràn ngập, cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt từ trước, doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.

Ngoài ra, ngành sữa cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro nhu cầu tiêu thụ sữa động vật và sữa bò tiếp tục giảm.

Một vấn đề lớn khác là người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe bản thân, gia tăng nhận thức về các sản phẩm dinh dưỡng. Điều này dẫn tới nhu cầu sử dụng các sản phẩm sữa chua, sữa nước cao cấp (organic, sữa A2) và các loại sữa thay thế từ thực vật (sữa óc chó, sữa đậu nành, sữa macca) ngày càng gia tăng. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ sữa hoàn nguyên lại giảm.

Tuy nhiên, dòng sản phẩm sữa cao cấp hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng sản lượng sữa cung ứng toàn ngành. Trong khi đó, 70% sản lượng sữa nước sản xuất tại Việt Nam hiện nay là từ sữa hoàn nguyên truyền thống, với giá trị dinh dưỡng thấp hơn nhiều các loại sữa tươi nguyên chất.

Theo VDSC, các công ty sẽ mất nhiều thời gian để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm. Hơn nữa, nếu sự chuyển dịch cao cấp hóa dòng sản phẩm này diễn ra chậm hơn so với dự kiến, tổng sản lượng sữa tiêu thụ toàn ngành sẽ tiếp tục giảm.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, năm 2018, tổng sản lượng sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu đạt gần 12.000 tấn, tăng gần 90% so với năm 2017. Nếu như năm 2015 cả nước mới chỉ có 3 doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa từ Việt Nam sang 10 nước, thì đến nay sữa Việt Nam đã có mặt tại gần 50 quốc gia trên thế giới. Hiện Việt Nam có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa với hơn 300 nhãn hàng.

Đầu tư cho ngành sữa cũng không ngừng gia tăng, khi các doanh nghiệp như Vinamilk, TH True milk, Nuti Food...tiếp tục triển khai các dự án đầu tư lớn, bởi nhìn vào tốc độ tiêu dùng sữa tại thị trường nội địa, thì còn nhiều dư địa để tăng trưởng, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, giảm chi phí sản xuất để tăng cạnh tranh với các dòng sữa nhập ngoại với lợi thế về thuế đang trên đà giảm mạnh.

Hiện mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực, chỉ vào khoảng 26 lít/năm so với mức tiêu thụ 35 lít/năm tại Thái Lan hay Singapore với 45 lít/người.

Nguồn: Báo Đầu tư