Tin tức

65,8% số dòng thuế về mức 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực

07/12/2018    501

Sẽ có 65,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực (30/12/2018).

Ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, trong Hiệp định CPTPP, các cam kết trong lĩnh vực tài chính bao gồm một số nội dung về chính sách thuế xuất nhập khẩu, hợp tác hải quan, chứng khoán, bảo hiểm.

Lộ trình giảm thuế rất nhanh

Cụ thể, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không được phép sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) để kiện Chính phủ Việt Nam về việc vi phạm nghĩa vụ tiêu chuẩn đối xử tối thiểu.

Nếu so với WTO, trong CPTPP Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ bảo hiểm mới, nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp nước ngoài, như dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ cho bảo hiểm. Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ, như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng; mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.

Cũng theo ông Vũ Nhữ Thăng, sẽ có 65,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực (30/12/2018); 86,5% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình dài hơn hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Doanh lưu ý mức giảm

Về thuế suất bình quân, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CPTPP có mức 5,8% (năm 2019), cao hơn đáng kể so với 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang thực hiện. Tuy nhiên, đến năm kết thúc lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu, thì thuế suất bình quân CPTPP chỉ còn 0,3%.

Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế với hàng xuất sang các nước thành viên CPTPP theo lộ trình, lên đến 15 năm. Những mặt hàng quan trọng còn lại như: than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) sẽ tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu và áp dụng một mức trần thuế suất.

Bên cạnh đó là các cam kết không bên nào được đánh thuế nhập khẩu với một mặt hàng, bất kể xuất xứ từ đâu, khi được tái nhập khẩu vào lãnh thổ của bên đó, sau khi được tạm xuất khẩu sang lãnh thổ của một bên khác, để sửa chữa hoặc thay thế.

Ngoài ra, CPTPP còn miễn thuế nhập khẩu đối với hàng thương mại có giá trị không đáng kể và ấn phẩm quảng cáo; hàng tạm nhập khẩu vì mục đích nhất định, bỏ quy định tạm nhập và tái xuất cùng một cửa khẩu và cho phép phương tiện vận tải được phép đi qua bất kỳ tuyến đường nào, để xuất cảnh nhanh chóng và hợp lý.

Riêng các cam kết thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại, chủ yếu quy định về nghiệp vụ như: thời gian giải phóng hàng chuyển phát nhanh trong vòng 6 tiếng; cơ chế xác định trước đối với các mã số hàng hóa, phương pháp xác định trị giá và xuất xứ hàng hóa. Trong CPTPP các quốc gia được tạm hoãn nghĩa vụ rà soát định kỳ ngưỡng miễn thuế, có tính đến các yếu tố liên quan như tỷ lệ lạm phát, chi phí hành chính của việc thu thuế khi so sánh với số thuế, chi phí giao dịch qua biên giới.

Nguồn: Báo Diễn đàn Daonh nghiệp