Tin tức

CPTPP và "nỗi lo" phụ thuộc nguyên liệu từ ngoại khối

16/11/2018    591

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, nhờ CPTPP, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 4,04%, nguy cơ thâm hụt thương mại được kiềm chế. Tuy nhiên, nhập khẩu lại tiếp tục phải phụ thuộc vào các nước ngoại khối.

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với 100% số đại biểu có mặt bấm nút tán thành. Như vậy, Việt Nam là nước thứ bảy phê chuẩn Hiệp định này sau Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Nhật Bản, Mê-hi-cô, Xin-ga-po và thời điểm Hiệp định chính thức có hiệu lực đã rất gần.

Kiềm chế nguy cơ thâm hụt thương mại

heo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả phân tích từ việc sử dụng mô hình GTAP cho thấy CPTPP về tổng thể vẫn có lợi cho Việt Nam so với trường hợp không tham gia. Nói như ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội”.

Theo đó, cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, tham gia CPTPP mang lại nhiều cơ hội. Cụ thể, do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể giúp GDP tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỉ USD. Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ (2,01%).

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng đánh giá nhờ có CPTPP, kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng tăng thêm khoảng 4,04% đến năm 2035. Kim ngạch nhập khẩu có khả năng tăng 3,8-4,6% và nhiều khả năng nguy cơ thâm hụt thương mại được kiềm chế theo thời gian. Mức tăng thêm về xuất sẽ là 15% và nhập khẩu tăng thêm trên 10%.

Trong đó, các ngành hàng như dệt may, thuỷ sản được nhận định sẽ tăng thêm được xuất khẩu và mở rộng được thị trường. Ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, cơ hội là rất lớn cho thủy sản nước ta.

"Hiện các nước CPTPP hằng năm nhập khẩu gần hai tỷ USD hàng thủy sản từ Việt Nam, tương đương 23% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Sau khi CPTPP có hiệu lực, giá trị kinh tế đem lại có thể cao hơn nhiều vì dư địa từ các thị trường này còn khá lớn", ông Hoè nhận định.

Không riêng với ngành thuỷ sản, phân tích của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, việc tăng xuất khẩu sẽ chủ yếu là sang các nước trong CPTPP. Tốc độ tăng xuất khẩu sang các nước trong CPTPP sẽ tăng thêm ở mức 14,3% (giả định lũy tiến đến năm 2035), tương đương với 2,61 tỉ USD, trong khi xuất khẩu sang các nước ngoài TPP tăng thêm 1,7% (tương đương 1,4 tỉ USD).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định điều này cho thấy TPP có tác động chuyển hướng thương mại khá lớn và việc tham gia CPTPP có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Lấy ví dụ đơn cử về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, CPTPP mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới cho dệt may, nhất là một số thị trường Việt Nam chưa ký FTA như Canada, Mexicô và Peru,…

“Những thị trường truyền thống như Australia cũng sẽ được khai thác tốt hơn. Xuất khẩu dệt may của ta vào Australia hiện mỗi năm mới đạt khoảng hơn 200 triệu USD, là con số khá khiêm tốn vì mỗi năm thị trường này đang nhập khẩu khoảng 9 tỷ USD”, ông Cẩm nhận định.

Điểm nghẽn phụ thuộc nguyên liệu ngoại khối 

Tuy nhiên, những cơ hội luôn đi cùng với rủi ro và thách thức đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại. “Với CPTPP, các lĩnh vực sẽ chịu rủi ro, thách thức là thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Bên cạnh đó, sản xuất giấy, thép, ô tô, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics… có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận định. 

Phân tích cụ thể hơn, TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia cho biết, các ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lợi thế cạnh tranh của Việt Nam kém hơn các nước khác như Australia, New Zealand và mức độ cắt giảm thuế quan so với mức MFN-mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thương, hiện nay là không nhiều. Sản lượng có thể giảm 0,3%, kim ngạch xuất khẩu có thể giảm 8%.

Cùng với đó, nhóm ngành chế biến thực phẩm cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, tốc độ tăng trưởng sản lượng có thể bị giảm khoảng 0,3 đến 0,5 điểm % so với trường hợp không có CPTPP.

Đặc biệt, phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy mức độ nhập khẩu tăng thêm do CPTPP từ các nước trong khối là không lớn, và việc tăng thêm nhập khẩu sẽ chủ yếu là từ các nước ngoài TPP với mức tăng thêm 3,8 tỉ USD, chiếm 83% tổng nhập khẩu tăng thêm.

Theo kết quả này, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một số nước hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc ngay cả khi có CPTPP. Điểm này rất đáng chú ý do việc nhập khẩu ngoài TPP có thể làm cho Việt Nam không được hưởng lợi nhiều vì quy định nguồn gốc xuất xứ trong TPP.

Trong đó, dệt may như đã nói ở trên là ngành có cơ hội phát triển xuất khẩu cũng lại chính là ngày chịu tác động lớn từ việc phụ thuộc nguyên liệu. Nói như Chủ tịch HÐQT Tổng công ty May Hưng Yên ông Nguyễn Xuân Dương: “CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở rộng thị phần, thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.Thế nhưng, cạnh tranh cũng sẽ gay gắt hơn và nếu không có chiến lược, hướng phát triển bài bản, chúng ta rất dễ bị các đối thủ nước ngoài mạnh về tài chính, quản trị thôn tính”.

Do đó, các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, để tận dụng cơ hội, yêu cầu đặt ra là đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất không chỉ thông qua tay nghề của người lao động, mà còn qua hệ thống sản xuất, quản lý, tin học hóa trong quản trị và tự động hóa từng bước, từng khâu trong sản xuất. "Đặc biệt, chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong nước để sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí, đơn hàng lớn của các đối tác, khách hàng,…", Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ.

Điểm nghẽn về nguyên liệu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tăng đầu tư cho Việt Nam. Nhờ các lợi ích tiềm năng của CPTPP, các nhà đầu tư có thể chuyển hướng vào cung ứng nguyên liệu, theo đó có thể làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ. Phản ứng này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng, khuyến khích các công ty tư nhân trong nước hội nhập tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và do đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Như vậy, nhìn chung tác động của CPTPP đối với Việt Nam trong dài hạn, lợi ích đạt được không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu. 

Tuy nhiên, việc đầu tư tăng lên không phải là không đi kèm chi phí. Do vậy, Việt Nam cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn đầu tư nước ngoài thân thiện với môi trường để tối ưu hóa tác động của hiệp định này.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp