Quyết định “số phận” của Vòng Doha vào cuối quý I – 2010?

16/09/2010    320

Sau cuộc họp các Bộ trưởng thương mại các nước thành viên WTO (MC7) trong khuôn khổ Vòng Đàm phán Doha cuối năm 2009, Tổng Thư ký WTO Pascal Lamy đã hối thúc các nước thành viên tổ chức này ra quyết định về việc có thể hoàn thành Vòng đàm phán Doha hay không muộn nhất là cuối tháng 3 năm 2010, năm mà theo ông sẽ là cột mốc để “tạo lập nền tảng cho một nền kinh tế toàn cầu bền vững và an toàn hơn”. Ông cho rằng sau khi có quyết định rõ ràng về việc này, các bên liên quan sẽ có động lực và quyết tâm để xây dựng kế hoạch cụ thể cho đàm phán Doha.
Trước thời điểm tiến hành MC7 cũng như trong báo cáo sau Cuộc họp này, Ông Pascal Lamy tỏ ra rất lạc quan về khả năng kết thúc Vòng Đàm phán Doha với dẫn chứng về các nỗ lực gần đây của các nước thành viên WTO trong việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán (đàm phán cấp chuyên viên cấp cao trước MC7 và đàm phán trong khuôn khổ MC7). Theo Ông, 250 cuộc gặp song phương và đa phương giữa các Bộ trưởng (chỉ tính các cuộc họp diễn ra tại Trung tâm Hội nghị của WTO) trong đợt này cho thấy các nỗ lực chính trị để trao đổi quan điểm đang được đẩy mạnh. Cùng với đó, 340 cuộc họp bên lề của đại diện các tổ chức phi chính phủ và sự có mặt của 210 nhà báo chuyên đưa tin về các cuộc họp liên quan cho thấy mức quan tâm lớn của công chúng đối với Vòng Doha.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài việc đạt được sự nhất trí cao về tầm quan trọng của hoạt động thương mại và kết quả Vòng Doha đối với việc phục hồi kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở các nước đánh phát triển và tái khẳng định sự cần thiết phải kết thúc Vòng Doha vào 2010, các đoàn đàm phán vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể nào trong các kết quả đàm phán cụ thể.
Liên quan đến các nước đang phát triển như Việt Nam, MC7 cũng phát đi một tín hiệu tốt khi thể hiện sự ủng hộ chính trị đối với các hoạt động tăng cường năng lực thương mại cho các nước đang và kém phát triển thông qua việc kêu gọi đẩy nhanh việc rót tiền cho quy hỗ trợ và đảm bảo nguồn ổn định cho quỹ này.
Ngày 18/2/2010, ý định mau chóng xác lập thời hạn cho Vòng Doha tại cuộc họp bộ trưởng thương mại cuối tháng 3/2010 đã bị dập tắt khi WTO phải ra quyết định hoãn triệu tập cuộc họp này. Quyết định này là hệ quả của việc một số thành viên, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã không mặn mà với cuộc họp này.
Vậy là tương lai của Vòng Doha vẫn còn mịt mờ.

Theo www.wto.org

 

Sơ lược Kết quả đàm phán tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 7 tháng 12/2009

 

Về Nông nghiệp

  • Đàm phán về loại nhượng bộ:

Một danh sách các vấn đề ưu tiên đàm phán đã được thống nhất

Các đoàn đàm phán đã bắt đầu bước soạn thảo các dự thảo cam kết mở cửa liên quan;

Xác minh các dữ liệu cơ bản;

  • Đàm phán về phương thức nhượng bộ

Tham vấn về các công việc kỹ thuật liên quan đến Cơ chế Tự vệ đặc biệt (SSM)

Hoàn thành việc đơn giản hóa thuế quan;

  • Kế hoạch: Hoàn thành đàm phán về loại nhượng bộ vào nửa cuối tháng 1/2010 và hoàn tất việc tham vấn về các vấn đề quan trọng trong dự thảo hiện tại của đàm phán về phương thức vào tuần đầu của tháng 2 và tháng 3/2010

 

Đàm phán phi Nông nghiệp (NAMA)

  • Làm rõ các vấn đề liên quan đến hàng rào phi thuế trong các dự thảo đang có
  • Kế hoạch: Tiếp tục đàm phán NAMA vào nửa đầu tháng 2

Đàm phán Dịch vụ

  • Có thêm những cam kết tích cực về một số chủ đề dịch vụ
  • Về các quy định pháp luật nội địa, tiếp tục các đàm phán dựa trên dự thảo hiện có, xem xét một đề xuất mới được đưa ra bởi một số thành viên.
  • Kế hoạch: tiến hành phiên họp không chính thức vào nửa cuối tháng 2/2010 để thảo luận về dự thảo đề xuất quyền miễn trừ thực thi cho các nước kém phát triển

 

Đàm phán Quy tắc (sửa đổi các Hiệp định)

  • Thảo luận tích cực về chương trình làm việc mà Chủ tịch Ủy ban đàm phán đưa ra;
  • Thảo luận về các điều chỉnh quy tắc chống bán phá giá, trợ cấp ngang và trợ cấp thủy sản (xem xét các dự thảo của Chủ tịch Ủy ban, kết luận về lộ trình trợ cấp thủy sản
  • Kế hoạch: Tiến hành các đàm phán tiếp theo vào tháng 1 và 2/2010 để kết thúc đợt xem xét lần 1 các dự thảo, xem xét các đề xuất mới về trợ cấp nói chung và trợ cấp thủy sản, tiếp tục xem xét điều chỉnh các quy định về chống bán phá giá/chống trợ cấp

 

Liên quan đến các Thỏa thuận Thương mại Khu vực:

  • Không có tiến triển nào về vấn đề này
  • Kế hoạch: Có thể sẽ tiến hành các đàm phán song song với chương trình làm việc của Ủy ban về các Thỏa thuận Thương mại Khu vực, dựa trên những kết quả đạt được về cơ chế minh bạch hóa

 

Liên quan đến các quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt (đối xử ưu đãi đối với các nước đang hoặc kém phát triển)

  • Thảo luận tập trung vào Cơ chế giám sát; Điều chỉnh đề xuất làm căn cứ để các thành viên tiếp tục đàm phán về Cơ chế này
  • Kế hoạch: Chủ tịch Ủy ban ra tuyên bố chi tiết hơn về ý tưởng mà các nước thành viên đưa ra và xác định kế hoạch làm việc về vấn đề này thời gian tới

 

Liên quan đến Hiệp định TRIPS

  • Tiếp tục thảo luận về các vấn đề mà các thành viên đưa ra liên quan tới mối quan hệ giữa TRIPS và Công ước về đa dạng sinh học
  • Thảo luận về các vấn đề xuyên biên giới trong thực thi và giám sát quyền về sở hữu trí tuệ
  • Trao đổi quan điểm về các vấn đề có liên quan đến quy trình thủ tục và kỹ thuật trong lĩnh vực nguồn gen
  • Kế hoạch: Tiếp tục việc thảo luận về các vấn đề còn tồn tại