Kỳ vọng gì từ CPTPP và EVFTA cho ngành dệt may Việt Nam?

05/08/2018    264

Năm 2018 sẽ là năm thứ 7 liên tiếp, dệt may Việt Nam không nhập siêu. CPTPP và EVFTA kỳ vọng tác động tích cực đến ngành dệt may Việt Nam. Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cơ hội mở rộng thị trường, nhưng nếu doanh nghiệp không tích cực thay đổi sản xuất, tiếp cận thị trường thì sẽ không thể tận dụng được cơ hội này.

Thách thức lớn

Mặc dù các DN dệt may cũng gặp nhiều thuận lợi hơn một số năm gần đây. Đơn hàng xuất khẩu tương đối khả quan, nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến hết Quý II và Quý III/2018.

Tuy nhiên, dệt may Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường dệt may toàn cầu.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết: “Khâu yếu nhất trong ngành dệt may của Việt Nam là thượng nguồn (kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất). Mặc dù sợi sản xuất trên 1,4 triệu tấn/năm đến 90% xuất khẩu, song lại nhập 876 ngàn tấn năm 2017, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

Nguồn vải cho may xuất khẩu chủ yếu nhập khẩu (chiếm trên 80% nhu cầu, trong đó từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan tạo ra tình trạng “nghẽn” tại khâu dệt nhuộm. Tỉ lệ giá trị tăng thêm của may xuất khẩu mới đạt khoảng 50%”.

Thêm vào đó, theo đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt nam, việc thiếu nhân lực chất lượng cao cho các khâu xơ, dệt nhuộm, thiết kế và năng suất lao động chưa cao, lợi nhuận thấp cũng là thách thức lớn.

Đánh giá về tiềm năng của CPTPP, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa ký Hiệp định FTA với 3 quốc gia là Mexico, Peru và Canada. Thị trường tiêu dùng lớn như Canada và Australia vẫn có tiềm năng để dệt may Việt Nam tận dụng tăng trưởng, với giá trị xuất khẩu hàng dệt may đạt 10 tỉ USD mỗi quốc gia.

Theo các chuyên gia phân tích, đối với các nước còn lại, Việt Nam đã ký Hiệp định FTA, CPTPP vẫn có thể phát huy lợi ích. Điều này xuất phát từ ưu điểm CPTPP có cơ chế linh hoạt hơn như có ít các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Mặc dù CPTPP áp dụng quy định về nguồn gốc sợi, một số sản phẩm cụ thể sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài CPTPP vẫn có thể hưởng mức thuế ưu đãi (187 loại vải và sợi không có trong các nước CPTPP có thể được nhập khẩu từ nước khác để dùng cho sản xuất hàng may mặc).

Triển vọng tích cực năm 2018

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 16,5 tỉ USD, tăng 16,49% so với cùng kì năm trước, trong đó, xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 12,86 tỉ USD, tăng 15,27% so với cùng kì năm trước, xuất khẩu sợi ước đạt 1,99 tỉ USD (tăng 19% so với cùng kì năm trước) và xuất khẩu vải đạt 787 triệu USD (tăng 31,83% so với cùng kì năm trước).

“Những diễn biến mới nhất từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các hiệp định FTA sắp có hiệu lực là yếu tố tiềm năng giúp tăng đơn đặt hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, cần thận trọng, vì lo ngại về thay đổi chính sách kinh tế khi các quốc gia khác áp dụng thêm thuế tự vệ, cụ thể là Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với ngành nhôm thép”- một chuyên gia phân tích.

Những khó khăn trong dài hạn bao gồm Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, chẳng hạn như một số loại sợi, vải dệt và vải nhuộm. Thêm vào đó, việc mức lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội tăng mỗi năm và chi phí logistic tăng cao (vẫn cao hơn nhiều so với Thái Lan, Trung Quốc ...) cũng gây ra nhiều áp lực cho tất cả các công ty dệt may. Tuy nhiên, VITAS dự báo, xuất khẩu năm 2018 tăng 12,2% so với cùng kì năm trước và đạt 35 tỉ USD

Nguồn: Báo Lao động