EVFTA - mừng đấy, mà vẫn lo đấy

09/07/2018    155

Tuần trước, tin từ EU cho hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được tách làm hai nửa. Nửa lớn hơn, hiệp định về thương mại, đã hoàn tất việc rà soát pháp lý. Nửa nhỏ hơn, hiệp định về bảo hộ đầu tư, cũng hoàn thành thảo luận. Đó là một tin mừng. Nhưng chỉ mới làm vơi một phần nhỏ những nỗi lo phía trước...

Một bước đi đã chờ đợi rất lâu

Với những người từ hơn hai năm nay chờ đợi một bước tiến thêm trong quá trình bắc cây cầu thông thương giữa Việt Nam với “siêu thị trường” 27 nền kinh tế, thì tin từ EU tuần trước quả là tin tốt.

Rốt cuộc thì hiệp định vốn đã hoàn tất đàm phán từ tháng 12-2015 này đã đi thêm được một bước, về nguyên tắc chỉ là kỹ thuật thôi, nhằm soát xét những lỗi còn sót, làm rõ những từ ngữ còn mơ hồ, nhưng không thể thiếu trên con đường đi tới ký kết chính thức, và sau đó là phê chuẩn để có hiệu lực.

Tương lai hiện thực hóa con đường ưu tiên giữa Việt Nam và EU đã gần hơn được một quãng. Những kỳ vọng lợi ích từ thị trường 512 triệu dân, chiếm xấp xỉ một phần năm tổng kim ngạch của xuất khẩu Việt Nam, cũng gần hơn một bước. Nếu chỉ nhìn từ con số tuyệt đối, kỳ vọng từ việc có thể hưởng ưu đãi thuế quan vào 27 thị trường mà trước nay Việt Nam chưa từng có FTA nào, vượt xa kỳ vọng từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - với cơ hội gia tăng chỉ chủ yếu ở ba thị trường mới, Canada, Mexico và Peru.

Cũng như vậy, những dự báo về khoản 3,2 tỉ đô la Mỹ phúc lợi tăng thêm cho Việt Nam chỉ trong ba năm đầu EVFTA có hiệu lực, hay khả năng tăng thêm 2,5% trong tổng thu nhập quốc nội sẽ bớt xa xôi hơn một chút.

Mà chẳng nói đâu xa, trong bối cảnh thương mại thế giới đầy những bất ổn, lúc nào cũng ngấp nghé bờ vực của chiến tranh thương mại, bảo hộ, rồi thì trả đũa lẫn nhau giữa các nền kinh tế lớn hiện nay, một cánh cửa ưu tiên ổn định với thị trường EU là điều rất có ý nghĩa với doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều bước đi gập ghềnh phía trước

Trong thông cáo báo chí của EU về sự kiện này, có một đoạn mà có lẽ không phải ai cũng chú ý: “Ủy ban (châu Âu) sẽ... khởi động quá trình rà soát pháp lý đối với văn kiện IPA (hiệp định bảo hộ đầu tư), mở đường cho việc ký kết và hoàn tất cả hai hiệp định này”. Đoạn này giải thích tại sao tiêu đề của thông cáo này lại là “EU và Việt Nam hoàn tất thảo luận về thương mại và đầu tư”, mà không phải là “EU và Việt Nam hoàn tất rà soát pháp lý hiệp định thương mại và đầu tư”.

Điều này có nghĩa là gì? Là việc rà soát pháp lý, tưởng dễ mà lại kéo dài lê thê kia, rốt cục vẫn chỉ mới xong với hiệp định thương mại mà thôi. Hiệp định bảo hộ đầu tư vừa mới tách ra bây giờ mới bước vào giai đoạn rà soát pháp lý. Và đâu đó có một ám chỉ mơ hồ, rằng hai hiệp định này mặc dù tốc độ không song hành nhưng sẽ được EU xem xét đồng thời? Nếu điều này là đúng, con đường đi tới ký kết hiệp định dù là thương mại hay đầu tư với EU chẳng phải vẫn còn xa? Và bước đi vừa đạt được - “rà soát pháp lý” chẳng phải mới chỉ là một nửa bước đi?

Theo quy trình về thẩm quyền đàm phán, ký kết và phê chuẩn các hiệp định mở cửa thương mại, đầu tư thì các hiệp định mà Ủy ban châu Âu đi đàm phán về, sau khi hoàn tất rà soát pháp lý, sẽ được dịch để chuyển cho Hội đồng châu Âu. Cơ quan với 27 thành viên đại diện các nền kinh tế EU này sẽ xem xét, quyết định việc ký chính thức hiệp định.

Sau đó văn kiện tiếp tục được chuyển tới Nghị viện châu Âu, với thành viên là hơn 750 đại biểu cử tri toàn châu Âu, để phê chuẩn. Tiếp đó nữa, quy trình rẽ sang hai hướng khác nhau: hiệp định thương mại sẽ có hiệu lực theo cam kết; còn hiệp định bảo hộ đầu tư sẽ tiếp tục phải được phê chuẩn bởi tất cả 27 nước thành viên theo thủ tục nội bộ của từng nước trước khi có thể có hiệu lực.

Đặt hai hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư mà chúng ta đang có với EU vào quy trình nói trên, có thể hình dung con đường trước mắt còn dài và gập ghềnh biết bao.

Tất nhiên, chúng ta vẫn có những hy vọng nhất định.

Hiệp định thương mại vốn là phần nội dung lớn, cũng phức tạp nhất, gây tranh cãi nhất trong quá trình đàm phán EVFTA giữa Việt Nam và EU, nay đã hoàn tất rà soát pháp lý. Phần còn lại về bảo hộ đầu tư vốn không quá dài, có thể việc rà soát cũng sẽ đơn giản hơn, nhanh chóng hơn.

Thêm nữa, khả năng EU xem xét hai hiệp định theo hai đợt riêng không phải là hoàn toàn không có. Lấy ví dụ của Nhật Bản, hiệp định thương mại mà nước này hoàn tất đàm phán với EU cuối năm ngoái, nay đã được hoàn tất và chuẩn bị trình Hội đồng châu Âu ký chính thức mà không chờ hiệp định bảo hộ đầu tư (lúc này vẫn đang trong quá trình đàm phán).

Tuy nhiên, để những hy vọng nói trên thành hiện thực, còn cần rất nhiều nỗ lực cả về chuyên môn và chính trị ngoại giao của cả hai bên trong việc thúc đẩy các tiến trình này. Trong đó, tiếng nói ủng hộ của các đối tác của Việt Nam tại EU, của các doanh nghiệp EU đang làm ăn ở Việt Nam và sẽ được hưởng lợi đáng kể từ EVFTA đến các cơ quan có thẩm quyền ở châu Âu cũng đặc biệt quan trọng để đẩy nhanh việc này.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn