Hàng Việt có thực sự "hưởng lợi" nhờ AANZFTA?

26/02/2018    610

Những ưu đãi trong Hiệp định AANZFTA sẽ giúp cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia. Tuy nhiên, đây vẫn còn là thị trường đầy thách thức với doanh nghiệp Việt.

Theo lộ trình Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), đến năm 2018 Australia sẽ cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa và 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0% từ năm 2020.

Mặt hàng nào hưởng lợi?

Năm 2017, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam – Australiatăng 22,9% so với năm 2016 đạt hơn 6,464 tỷ USD.

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Australia đạt 3,23 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu từ Australia vào Việt Nam đạt hơn 3,17 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Australia còn rất lớn đặc biệt là với mặt hàng thủy sản. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, quốc gia này cần phải nhập khẩu khoảng hơn 700.000 tấn. Trong khi đó, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 sang Australia (sau Trung Quốc và Thái Lan). Một mặt hàng khác của Việt Nam cũng được người tiêu dùng Australia ưa chuộng đó là hạt điều. Một số mặt hàng như gỗ và sản phẩm từ gỗ, túi xách, vali, dệt may, máy móc thiết bị cũng được coi là những mặt hàng đầy tiềm năng trên thị trường Australia.

Thách thức lớn

Mặc dù Australia là thị trường lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ sản phẩm, nhưng yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa rất cao. Chính sách thương mại và thuế của Australia minh bạch, các quy định về chất lượng, ATVSTP… Khá nhiều nhà nhập khẩu Australia không chấp nhận những sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng của họ. Đơn cử, với mặt hàng vải thiều của Việt Nam, chỉ có duy nhất một lô được vào thẳng, còn lại đều phải xử lý thêm hoặc bị trả về.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, hàng hoá có xuất xứ từ Việt Nam xuất hiện trong các hệ thống siêu thị lớn ở Australia còn khá khiêm tốn. Theo bà Phan Thị Diệu Linh, chuyên gia Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương, người tiêu dùng Australia khá bảo thủ, rất hiểu biết và đánh giá cao hàng hóa sản xuất tại nội địa. Tuy nhiên, họ lại rất cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu, không quá coi trọng nguồn gốc xuất xứ, chỉ quan tâm tới yếu tố như chất lượng, kiểu dáng và giá cả.

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp