FTA ASEAN-Trung Quốc và Hồng Kông: Đừng để doanh nghiệp Việt Nam ngó nhìn lợi ích

25/12/2017    907

ASEAN vốn là một khu vực quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Thái độ mềm dẻo đột ngột kết thúc vào năm 2009 khi Trung Quốc ngày càng có các hành động cứng rắn trong các vấn đề ở khu vực. Tuy nhiên, bất chấp tình trạng “chính trị lạnh”, quan hệ kinh tế Trung Quốc và ASEAN vẫn phát triển rất nồng ấm, đặc biệt kể từ khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực từ tháng 7-2005.

Đến cuối năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc - ASEAN đã đạt 452,2 tỉ đô la Mỹ, đưa Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của ASEAN. Mặc dù đối với Việt Nam, ACFTA có hiệu lực muộn hơn nhưng Trung Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2016, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 22 tỉ đô la Mỹ (chiếm 12,4% tổng kim ngạch xuất khẩu), Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam chỉ sau Mỹ (chiếm 21,78%) và EU (chiếm 19,2%). Trong khi đó, năm 2016, nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam đạt 49,8 tỉ đô la Mỹ (chiếm 28,7% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Trên cơ sở thành công của ACFTA, năm 2016 Nghị định thư sửa đổi ACFTA đã có hiệu lực với mục tiêu chính là nâng cấp các quy định về quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi thương mại để nâng cao khả năng tận dụng ACFTA. Ngày 21-11-2017 vừa qua, Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA) đã được chính thức ký kết, mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực kinh tế đặc biệt này của Trung Quốc.

ACFTA: Tiềm năng lớn, lợi ích hạn chế

Cho đến nay Việt Nam đã “có được” 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), con số này còn nhiều hơn cả số FTA của Trung Quốc. Nhưng đằng sau con số ấn tượng đó, có một thực tế vẫn bỏ ngỏ bấy lâu nay là lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam từ những ký kết này đến đâu. Số liệu của Bộ Công Thương tính toán cho thấy, tỷ lệ tận dụng lợi ích từ FTA của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp, chỉ dao động từ 30-50%. ACFTA là một trong những FTA có tỷ lệ tận dụng lợi ích thấp nhất (chỉ 31%). Điều đó có nghĩa là chỉ 31% giá trị hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc được hưởng mức thuế suất ưu đãi của hiệp định này, khiến không chỉ ACFTA mà nhiều FTA khác đối với doanh nghiệp cũng giống tình trạng “sấm thì to, mưa thì nhỏ”. Nguyên nhân căn bản của tình trạng này bắt nguồn từ cả phía bộ, ngành và doanh nghiệp.

Cho đến nay Việt Nam đã “có được” 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), con số này còn nhiều hơn cả số FTA của Trung Quốc. Nhưng đằng sau con số ấn tượng đó, có một thực tế vẫn bỏ ngỏ bấy lâu nay là lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam từ những ký kết này đến đâu.

Thứ nhất, việc cung cấp thông tin đến doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Với mỗi FTA, việc phổ biến điều khoản là quan trọng song hiện nay, gần như không có đội ngũ luật sư tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc hiểu hiệp định, nên doanh nghiệp không biết làm thế nào để xử lý các vấn đề kỹ thuật phức tạp được nêu ra về nguyên tắc xuất xứ hay các tiêu chuẩn khác. Thông thường, ở nhiều nước, các hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến và diễn giải các thông tin dạng này cho doanh nghiệp nhưng ở Việt Nam vai trò này đôi khi được chính những chuyên gia của Bộ Công Thương thực hiện. Và vì nguồn nhân lực của Bộ Công Thương thì luôn hữu hạn, nên họ chỉ có thể thực hiện theo cách “giật gấu vá vai” như hiện nay.

Thứ hai, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lấy được chứng nhận quy tắc xuất xứ (C/O) đồng bộ. Đây là vấn đề kỹ thuật khó khăn nhất với doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp không biết, nhưng thậm chí biết cũng không thể kiếm được C/O phù hợp. Chẳng hạn, một doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Thái Lan, lấy C/O form D, khi xuất sang Trung Quốc sẽ cần C/O form E để được ưu đãi. Do các C/O này không đồng bộ hóa nên doanh nghiệp khó có thể được ưu đãi thuế suất. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không hiểu và không áp dụng được quy tắc de minimist (quy tắc không đáng kể) cho phép vi phạm 7-10% (trên tổng trị giá FOB) quy định của ACFTA. C/O của Việt Nam hiện do Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp miễn phí cho doanh nghiệp nhưng thời gian cấp có thể kéo dài (từ vài giờ đến 3-4 ngày và nhiều thủ tục còn rườm rà).

Thứ ba, thương mại tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc quá lớn. Thương mại tiểu ngạch thì không thể có chứng nhận C/O nên dĩ nhiên khó có thể tận dụng được ưu đãi thuế quan của ACFTA.

Thứ tư, bản thân ACFTA là hiệp định có chất lượng thấp, quy định cứng nhắc về xuất xứ C/O đối với doanh nghiệp. Thông thường quy tắc xuất xứ sẽ có một bộ quy tắc xuất xứ chung gồm ba phần (i) Hàm lượng giá trị khu vực (RVC) - phải đạt tối thiểu 40% xuất xứ ; (ii) Hướng dẫn chuyển đổi thuế suất (CTH) - doanh nghiệp có thể chuyển đổi mã số một số hàng hóa nhất định để nhận ưu đãi thuế suất; (iii) Quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm cụ thể (PSRs), tức là nếu tra trong danh mục PSRs mà không thấy sản phẩm của doanh nghiệp có vấn đề gì thì mặc định quay lại áp dụng quy tắc chung để chọn RVC hoặc CTH. Đối với ACFTA và AHKFTA, có một quy tắc chung duy nhất hiện nay đang áp dụng - đó là RVC 40% và quy tắc cụ thể mặt hàng PSRs rất ngắn - chỉ có 527 dòng thuế. Doanh nghiệp bị kẹt cứng trong quy định RVC (40) mà không được lựa chọn CTH.

Một điều khoản rất cứng nhắc nữa trong hiệp định ACFTA là điều khoản về C/O giáp lưng. Nếu không xử lý được vấn đề hóa đơn bên thứ ba trong hiệp định ACFTA thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất bất lợi, không được hưởng thuế quan ưu đãi dù có FTA và đáp ứng quy tắc xuất xứ.

ACFTA và AHKFTA trong bối cảnh mới: doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Các doanh nghiệp Việt Nam một lần nữa được đặt trước cơ hội lớn để gia tăng thương mại và hưởng lợi trong kinh doanh với thị trường Trung Quốc. Câu hỏi là doanh nghiệp Việt Nam cần có tâm thế và chuẩn bị gì cho việc kinh doanh với Trung Quốc trong bối cảnh mới.

Thứ nhất, doanh nghiệp, đặc biệt là các hiệp hội, cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác thuê luật sư tư vấn, giải thích và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để tận dụng lợi ích từ ACFTA và AHKFTA.

Thứ hai, cần giảm thương mại tiểu ngạch, nâng cao tỷ trọng thương mại chính ngạch nhằm tìm kiếm cách làm ăn mới phù hợp với luật lệ và hưởng các ưu đãi.

Thứ ba, ACFTA bản nâng cấp và AHKFTA sẽ có quy định mới về C/O giáp lưng, tức là việc mua bán qua rất nhiều bên, hóa đơn, vận đơn có thể được phát hành tại một bên không thuộc hiệp định. Các doanh nghiệp cần nắm bắt các quy định mới và thực hiện các hướng dẫn này.

Thứ tư, xây dựng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Một điều khoản đặc biệt tiến bộ, một trong những điều khoản giúp giảm thiểu thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đó là cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho phép doanh nghiệp không còn lệ thuộc vào Bộ Công Thương hay VCCI. Khi ACFTA và AHKFTA cho phép doanh nghiệp tự cấp C/O thì việc chuẩn bị để thực hiện điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn: Thesaigontimes