Xuất khẩu dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang Australia – Hiện trạng và nguyên nhân

16/05/2019

Bài viết được trích dẫn từ Nghiên cứu "Cơ hội thị trường Australia cho Việt Nam từ CPTPP và các FTA liên quan" của nhóm nghiên cứu Trung tâm WTO và Hội nhập, được tài trợ bởi Quỹ hỗ trợ Cựu sinh viên Australia.

1. Giá trị và cơ cấu xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam sang Australia

Trong giai đoạn 2008-2017, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ[1] của Việt Nam sang Australia có xu hướng tăng đều nhưng không mạnh (Hình 1). Trong giai đoạn ngay trước và sau khi Hiệp định AANZFTA có hiệu lực (2010), xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam sang Australia hầu như không tăng hoặc tăng rất chậm. Tuy nhiên, từ giai đoạn 2011-12 trở đi, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam sang Australia bắt đầu tăng mạnh hơn trừ giai đoạn sụt giảm nhẹ 2014-2015. Kết quả là, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ 661 triệu AUD giai đoạn 2008-09 lên 1,345 triệu AUD giai đoạn 2016-17, tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 1.6% tổng nhập khẩu dịch vụ của Australia giai đoạn 2016-17.

Hình 1: Xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam sang Australia qua các năm

 

Nguồn: Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia

Hình 2 thể hiện cơ cấu xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam sang Australia giai đoạn 2016-2017. Có thể thấy giá trị xuất khẩu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào lĩnh vực du lịch (xuất khẩu dịch vụ tại chỗ - du khách Australia sang Việt Nam du lịch và sử dụng các dịch vụ du lịch tại Việt Nam – Mode 2), chiếm tới 82.68% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Australia năm 2016-2017. Tiếp đến là dịch vụ vận tải (chiếm 13.31%) mà trong đó một phần không nhỏ là các dịch vụ phục vụ du lịch kể trên. Các dịch vụ khác Việt Nam có xuất khẩu sang Australia bao gồm dịch vụ chính phủ, dịch vụ kinh doanh khác, dịch vụ viễn thông, máy tính và thông tin, dịch vụ bảo hiểm và hưu trí, dịch vụ sở hữu trí tuệ chỉ chiếm trên dưới 1%.

Hình 2: Cơ cấu xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam sang Australia giai đoạn  2016 - 2017

 

Nguồn: Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, trong đó đáng chú ý là các ngành dịch vụ của Việt Nam chưa thực sự phát triển, khả năng cạnh tranh thấp. Lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu có thế mạnh duy nhất của Việt Nam là du lịch, chiếm tới 67.6% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ năm 2017. Tiếp đến là dịch vụ vận tải mà trong đó một phần lớn là phục vụ du lịch, cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng xuất khẩu dịch vụ, với tỷ lệ 19.7% năm 2017. Theo chiều ngược lại, du lịch và vận tải cũng là hai lĩnh vực nhập khẩu dịch vụ chính của Australia năm 2017, với tỷ trọng là 50.5 % và 18.6 % tương ứng.

Mặc dù trong so sánh với các nước ASEAN, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu dịch vụ lớn thứ 4 vào Australia, sau Singapore, Indonesia và Thái Lan giai đoạn 2016-2017. 03 nước này có giá trị xuất khẩu dịch vụ vào Australia lớn hơn nhiều so với Việt Nam (Hình 3), đặc biệt là Singapore và Indonesia – hai nước thuộc top 5 nước xuất khẩu dịch vụ lớn nhất vào Australia, lần lượt đứng thứ 3 và thứ 5 giai đoạn 2016-2017.

Hình 3: Top các nước ASEAN có giá trị xuất khẩu dịch vụ lớn nhất vào Australia giai đoạn 2016-2017

 

Nguồn: Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia

2. Đầu tư nước ngoài của Việt Nam sang Australia

Đầu tư nước ngoài của Việt Nam (bao gồm cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp) sang Australia đã tăng gần 5 lần, từ 155 triệu AUD năm 2008 lên 735 triệu AUD năm 2017. Giai đoạn tăng mạnh nhất là 2010-2014, đây cũng là giai đoạn ngay sau khi AANZFTA có hiệu lực (Hình 4). Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài của Việt Nam sang Australia chỉ chiếm một lượng không đáng kể (0.02%) tổng lượng đầu tư nước ngoài của Australia, và thấp hơn rất nhiều so với một số nước ASEAN khác như Singapore (82 tỷ AUD), Malaysia (21.3 tỷ AUD) năm 2017.

Hình 4: Đầu tư nước ngoài của Việt Nam sang Australia, 2008 - 2017

Nguồn: Tổng cục thống kê Australia, truy cập tháng 2/2018

Xét riêng về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam vào Australia tính lũy kế đến tháng 09/2018 mới có 39 dự án với tổng cộng 202.3 triệu USD (Tổng cục Thống kê, 2018), và Australia chỉ đứng thứ 14 trong số các nước Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài lớn nhất cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây là một thị trường đầu tư tiềm năng cho các nhà đầu tư Việt Nam thể hiện qua việc giá trị FDI của Việt Nam vào Australia đã gia tăng nhanh chóng trong một vài năm trở lại đây. Cụ thể, chỉ tính riêng trong 2018, FDI của Việt Nam vào Australia đã đạt 55.5 triệu USD (tương đương 77.6 triệu AUD), chiếm 12.8% tổng FDI ra nước ngoài của Việt Nam, đồng thời biến Australia thành thị trường Việt Nam có đầu tư FDI lớn thứ hai chỉ sau Lào năm 2018 (Tổng cục Thống kê, 2019).

Mặc dù không có số liệu về các lĩnh vực đầu tư cụ thể của Việt Nam tại Australia nhưng nhìn vào cơ cấu FDI ra nước ngoài của Việt Nam trong Hình 5 dưới đây có thể dự đoán được các lĩnh vực mà Việt Nam có thể có đầu tư tại Australia tập trung ở tài chính ngân hàng, bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác là chủ yếu. Một số lĩnh vực khác như nông lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo có thể là một khả năng, dù nhỏ hơn. Trong khi đó, các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất của Australia là: khai mỏ, chế tạo, bán buôn bán lẻ, tài chính và bảo hiểm, bất động sản.

Hình 5: Cơ cấu đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam năm 2018

 

Nguồn: Tổng cục thống kê, 2019

3. Nhận xét và đánh giá

Từ các số liệu ở trên có thể thấy xuất khẩu dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang Australia trong thời gian qua còn rất hạn chế. Xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam sang Australia chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu tại chỗ - du lịch và các dịch vụ liên quan (như vận tải). Đầu tư sang Australia của Việt Nam đã gia tăng đáng kể đặc biệt kể từ sau khi AANZFTA có hiệu lực nhưng giá trị vẫn còn khá khiêm tốn. Trong đó, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Australia chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ, nhưng đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây, cho thấy Australia là một thị trường đầu tư FDI tiềm năng của Việt Nam.

Thực tế, Australia là một thị trường xuất khẩu dịch vụ và đầu tư tiềm năng của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu năm 2018, Australia có mức độ mở cửa thị trường dịch vụ tương đối cao, đứng thứ 37/140 nước. Australia cũng có chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI) đối với hầu hết các ngành dịch vụ (21/22 ngành) theo xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thấp hơn nhiều các quốc gia OECD khác. Điều này cho thấy Australia đã mở cửa đáng kể đối với các dịch vụ nước ngoài. Bên cạnh đó, Australia cũng là một địa điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với chỉ số thuận lợi kinh doanh 2018 (Doing Business) theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới khá cao, 18/190 nước khảo sát. Thu hút đầu tư nước ngoài vào Australia tăng đều trong suốt thời gian qua với giá trị tăng trưởng trung bình hàng năm từ 8.6 đến 9.7% kể từ năm 1997 đến nay, biến Australia trở thành một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của FDI toàn cầu (Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Australia, 2018).

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang Australia được cho là còn có thêm nhiều lợi thế do giữa hai nước đã có một FTA chung – AANZFTA. Theo FTA này, Australia đã mở cửa thêm nhiều dịch vụ cho Việt Nam so với cam kết WTO, bao gồm: dịch vụ pháp lý, y tá và nữ hộ sinh, khai thác mỏ, truyền thông, một số dịch vụ giáo dục, môi trường, tài chính, vận tải. Bên cạnh đó, AANZFTA cũng có nhiều cam kết về bảo hộ đầu tư, giúp tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi hơn cho các nhà đầu tư của Việt Nam khi đầu tư vào Australia.

Mặc dù có các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường dịch vụ và đầu tư của Australia như trên, giá trị xuất khẩu dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang Australia vẫn còn nhiều hạn chế có thể vì một số nguyên nhân sau.

Thứ nhất, các ngành dịch vụ của Việt Nam còn non trẻ, sức cạnh tranh tại thị trường trong nước còn thấp chứ chưa nói đến xuất khẩu ra nước ngoài. Lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam chỉ thực sự hình thành với tính chất là một lĩnh vực kinh tế độc lập từ sau công cuộc Đổi mới (1986) của Việt Nam, và được đẩy mạnh phát triển từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO (2007) và thực hiện một loạt các FTA. Do hình thành và phát triển muộn, hiện tại lĩnh vực dịch vụ chỉ chiếm khoảng 40% trong tổng GDP của Việt Nam, thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của các nước đang phát triển (khoảng 50%) và thấp hơn đáng kể so với các nước phát triển (khoảng 70%) (UNCTAD, 2017). Hơn nữa, trong thời gian qua Việt Nam vẫn định hướng là một nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa nên chưa chú trọng đến khuyến khích và đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ.

Thứ hai, thị trường dịch vụ của Việt Nam chưa thực sự mở cửa, còn nhiều hạn chế với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Việt Nam chỉ thực sự mở cửa thị trường dịch vụ theo cam kết WTO, các FTA trước đây cam kết về dịch vụ rất hạn chế, chỉ tương đương hoặc cao hơn không đáng kể so với WTO. Chỉ đến một số FTA thế hệ mới gần đây Việt Nam mới cam kết mở cửa nhiều hơn một số lĩnh vực so với WTO nhưng cũng chỉ áp dụng đối với các đối tác FTA đó. Mức độ mở cửa dịch vụ của Việt Nam chỉ ở mức trung bình theo đánh giá của Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI) 2012 và Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2018 của Ngân hàng Thế giới. Trong khi đó, theo nhiều nghiên cứu, chẳng hạn như nghiên cứu về Tác động của Hạn chế Thương mại Dịch vụ đối với các dòng chảy thương mại (OECD, 2015) thì các nước càng có mức độ hạn chế về thương mại dịch vụ cao thì lại càng xuất khẩu dịch vụ ít.

Thứ ba, các doanh nghiệp của Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài các khó khăn thường gặp về thông hiểu thị trường, khách hàng là các khó khăn về đáp ứng đúng các quy định pháp luật của nước sở tại. Các công tác thông tin, xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, từ trước đến nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là đầu tư sang các nước láng giềng thân thuộc như Lào, Campuchia. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý và công tác quản lý đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập trong việc cấp phép đầu tư, quản lý hoạt động và chuyển vốn ra nước ngoài…gây khó khăn cho các doanh nghiệp của Việt Nam khi muốn đầu tư ra nước ngoài.

 

 

 

[1] Dịch vụ ở đây chỉ tính các dịch vụ xuyên biên giới theo một trong ba phương thức cung cấp dịch vụ (mode) như theo định nghĩa của WTO: Mode 1 – Dịch vụ cung cấp qua biên giới, Mode 2 – Tiêu dùng ở nước ngoài, Mode 4 – Di chuyển của thể nhân, và KHÔNG bao gồm Mode 3 – Hiện diện thương mại (đầu tư).